Tại sao trăn tấn công con người?

Cần phải nói rằng, không phải đợi đến tận ngày nay, trăn khổng lồ mới trở thành nỗi khiếp sợ đối với con người.

Một nghiên cứu đăng trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ năm 2011 đã cung cấp cái nhìn hiếm có vào mối quan hệ sinh thái giữa trăn và con người, rộng hơn là những loài bò sát khổng lồ với các loài linh trưởng trong đó có tổ tiên chúng ta.

Theo đó, các nhà khoa học lập luận trăn đã tấn công con người từ thời tiền sử, bởi loài người là một trong những con mồi phù hợp với chế độ ăn của trăn. Chúng ta là động vật có vú và không quá lớn.

Ngoài ra, con người cũng săn các loài thú nhỏ là thức ăn của trăn. Nên theo các động lực tiến hóa, trăn có thể tấn công người, để giảm bớt đối thủ cạnh tranh nguồn thức ăn với chúng.


Hai thổ dân Agta cầm xác một con trăn gấm khổng lồ.

Các tác giả nghiên cứu đã chứng minh giả thuyết này của họ bằng cách khảo sát 120 người Agta, một bộ tộc săn bắn hái lượm hiện đại còn sống ở Philippines. Kết quả cho thấy tới 26% nam giới khi đi săn trong rừng đã bị trăn tấn công.

Từ năm 1934 đến năm 1973, có 6 người Agta đã bị trăn giết chết. Trong một vụ việc được kể lại, một người cha sau khi đi rừng về đã phát hiện một con trăn đột nhập nhà anh và giết chết 2 đứa con và đang nuốt một đứa bé.

Ngay lập tức, người cha vung con dao bolo của mình và giết con trăn. Sau đó, anh tìm thấy đứa con thứ ba của mình, một bé gái 6 tuổi, không hề hấn gì.

Các nhà khoa học lập luận bởi trăn đã tấn công con người từ ngàn xưa, đó là một trong những lý do khiến bộ gen của chúng ta được lập trình để khiếp sợ với loài bò sát khổng lồ này.

Không phải tự nhiên mà một số người mắc phải hội chứng sợ rắn, còn gọi là "Ophidiophobia". "Hãy tưởng tượng xem sẽ như thế nào nếu cứ phải sống trong nỗi sợ hãi liên tục về một con trăn dài 7 mét rưỡi chui ra từ bụi rậm và ngoạm chân bạn", Harry Greene, một giáo sư Sinh thái học và Tiến hóa tại Đại học Cornell nói.


Một con trăn gấm khổng lồ bị người Agta bắt được và lột da.

Nhiều loài linh trưởng là tổ tiên của loài người có lẽ cũng từng bị trăn sát hại. Tuy nhiên, bởi dịch tiêu hóa của trăn rất mạnh, chúng có khả năng phân hủy cả xương của con mồi, nên các trường hợp trăn ăn thịt người tiền sử hoặc động vật linh trưởng thường không để lại dấu vết hoặc bằng chứng.

Khi con người lấn át tự nhiên, cái giá phải trả là vô cùng khủng khiếp

Đến đây, chúng ta như đụng phải một bức tường vô hình trớ trêu. Bởi trăn có khả năng tiêu hóa tuyệt vời, chúng đang là loài động vật có tỷ lệ chuyển đổi thức ăn thành protein hiệu quả nhất mà con người có thể dùng làm thực phẩm.

Các nhà khoa học đang khuyến khích loài người ăn trăn vì đó là một nguồn "protein xanh" có thể thay thế cho thịt bò, thịt lợn hoặc thịt gà trong ngành chăn nuôi truyền thống - đang thải ra 14,5% tổng lượng khí thải nhà kính trên hành tinh.

Và cũng chẳng phải đợi đến tận bây giờ, trong khi một số thổ dân Agta ở Phillipines bị trăn ăn thịt, chính họ cũng thường bắt và ăn thịt trăn.


Hầu hết các nạn nhân của trăn ở Indonesia đều liên quan đến các đồn điền cọ.

Mặc dù vậy, tiến vào lãnh thổ của loài trăn chưa bao giờ là một hành vi an toàn. Các nhà khoa học cho biết trăn là loài săn mồi phục kích, có nghĩa là chúng sẽ rình rập bạn ở đâu đó, trong một bụi rậm hoặc trên nhánh cây, rồi bất ngờ ngoạm lấy bạn.

Hầu hết các vụ trăn ăn thịt người gần đây được báo cáo ở Indonesia, đó không phải là điều ngẫu nhiên.

Thứ nhất, quốc đảo này sở hữu diện tích rừng mưa lớn thứ ba thế giới, chỉ sau rừng Amazon ở Brazil và rừng mưa Congo. Rừng mưa là một trong những ngôi nhà tự nhiên của trăn.

thứ hai, Indonesia hiện đang là nhà xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới.

Dầu cọ là một loại nguyên liệu dễ sản xuất, đa năng và rẻ tiền. Nó có trong một nửa số hàng hóa mà bạn có thể tìm thấy trong bất kỳ một siêu thị nào trên thế giới, từ dầu gội đầu, sữa tắm, kem đánh răng cho đến pizza, bánh kẹo, sô lô la và thậm chí cả thuốc.

Mỗi năm, thế giới tiêu thụ tới 80 triệu tấn dầu cọ, nhưng chỉ có một nơi đặc biệt thích hợp để trồng loại cây này: Những hòn đảo ở Indonesia. Đây là khu vực tạo ra tới 48% sản lượng dầu cọ toàn cầu. Vì việc sản xuất dầu cọ mang lại lợi nhuận nên người dân Indonesia đã bất chấp phá rừng để trồng cọ.


Indonesia đang phải đối mặt với tình trạng phá rừng để trồng cọ.

Global Forest Watch, một nền tảng trực tuyến cung cấp dữ liệu và công cụ giám sát rừng, gần đây đã lưu ý: "Mất rừng nguyên sinh ở những mảng rộng hơn 100 ha chiếm tới 15% tổng diện tích rừng bị mất ở Indonesia vào năm 2023. Việc mở rộng các đồn điền công nghiệp diễn ra ở một số địa điểm liền kề với các đồn điền dầu cọ và bột giấy hiện có ở Trung Kalimantan, Tây Kalimantan và Tây Papua".

Báo cáo cho biết thêm: "Mất rừng nguyên sinh quy mô nhỏ cũng phổ biến trên khắp cả nước vào năm 2023. Việc khai hoang nhỏ để làm nông nghiệp đã góp phần gây ra tình trạng mất mát liên tục trong một số khu vực được bảo vệ, bao gồm Công viên quốc gia Tesso Nilo và Khu bảo tồn động vật hoang dã Rawa Singkil. Những mất mát khác liên quan đến khai thác mỏ có thể thấy ở Sumatra, Maluku, Trung Kalimantan và Sulawesi".

Đây đều là những khu vực ghi nhận trăn tấn công người, bởi mất rừng đồng nghĩa với việc quần thể trăn đang sống trong rừng không còn nơi để sinh sống. Cả quần thể con mồi của chúng cũng bị suy giảm.

Vậy nên trăn – trong nỗ lực tìm kiếm một ngôi nhà mới và những bữa ăn mới – đã bắt gặp những người nông dân trên đồn điền cọ.

Trong trường hợp bạn còn nhớ Akbar Salubiro, nam thanh niên 25 tuổi sống ở đảo Sulawesi đã bị trăn ăn thịt năm 2017, một nhân chứng cho biết đã nghe thấy tiếng kêu của Salubiro phía sau đồn điền cọ trước một ngày thi thể của anh ấy được tìm thấy trong bụng trăn.

Bốn trong số 7 nạn nhân tiếp theo của trăn gấm từ năm 2018 đến 2024 ở Indonesia đều liên quan đến những đồn điền cọ.


Nhiều người vô tư nuôi trăn làm thú cưng mà không biết loài vật này rất nguy hiểm.


Năm 2018, một nam thanh niên 31 tuổi người Mỹ đã bị một con trăn mà anh nuôi siết cổ đến tử vong.

Thế nhưng, trăn hoang dã không phải là những con trăn duy nhất sống trên hành tinh này. Trên thế giới có hàng triệu cá thể trăn đang được nuôi nhốt để lấy thịt và lấy da, phục vụ ngành thời trang cao cấp.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy, trong môi trường nuôi nhốt trăn có thể gặp căng thẳng và trở nên hung hăng hơn thường lệ. Chúng có thể ăn thịt đồng loại và thậm chí tấn công con người.

Trong khi nhiều người coi trăn là một loài động vật hiền lành, không độc và có thể nuôi làm thú cưng, đã có những vụ việc trăn tấn công và giết chết chủ nuôi được ghi nhận.

Chẳng hạn như năm 2018, một nam thanh niên 31 tuổi người Mỹ đã bị một con trăn đá Châu Phi mà anh nuôi làm thú cưng siết cổ đến tử vong. Thi thể của anh ấy đã được phát hiện trong phòng ngủ, với các mạch máu trong mắt bị vỡ do lực siết quá mạnh, còn con trăn đá thì đã biến mất khỏi chuồng của nó.

Tất cả những điều này cho thấy một thông điệp rõ ràng được gửi đến con người từ phía loài trăn: Chúng không phải trò đùa, hãy luôn giữ khoảnh cách và biết sợ hãi, Ophidiophobia!

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất