Tảng băng cực lớn tan vỡ ở Bắc cực
Các nhà khoa học Mỹ cho hay, một tảng băng có diện tích gấp 4 lần đảo Manhattan (260 km2) và chiều cao khoảng 180m đã tách ra từ dòng sông băng Petermann ở miền bắc Greenland sáng thứ 5 (5/8).
Đây là tảng băng vỡ lớn nhất ở Bắc Cực kể từ năm 1962
của Greenland (Ảnh: EPA)
Andreas Muenchow – người dẫn đầu nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Delaware cho biết: “Lượng nước ngọt được lưu trữ trong tảng băng này có thể giữ cho tất cả các vòi nước công cộng ở Mỹ chảy liên tục trong vòng 120 ngày”.
Tuy nhiên, rất khó để nhận xét liệu sự kiện này có phải là do tác động của việc Trái đất đang ấm lên hay không, bởi vì các ghi chép về dòng nước biển chảy xung quanh dòng sông băng này chỉ được lưu từ năm 2003.
Được biết, dòng hải lưu bên dưới các dòng sông băng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc tan vỡ các tảng băng ở Greenland.
“Không ai có thể nói đây là do sự ấm lên của Trái đất. Nhưng ngược lại, cũng không có có thể khẳng định đây không phải là hệ lụy của việc Trái đất đang ấm lên”, ông Muenchow cho hay.
Các nhà khoa học đã ghi nhận 6 tháng đầu năm 2010 là những tháng nóng nhất của trái đất trong rất nhiều năm trở lại đây. Hiện tượng thời tiết EI Nino cũng góp phần vào việc khiến cho nhiệt độ tăng cao, nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng chính hiệu ứng nhà kính do con người gây ra đã thúc đẩy nhiệt độ tăng cao hơn.
Muenchow cho rằng tảng băng mới tách ra lần này có thể chặn đứng eo biển Nares (cách phía nam Bắc Cực khoảng 992km) nếu nó trôi về phía nam, hoặc vỡ thành nhiều tảng nhỏ hơn và hướng về Đại Tây Dương.