Tào Tháo không phải con cháu họ Hạ Hầu
Công việc tìm kiếm hậu duệ của Tào Tháo để lấy mẫu ADN nhằm xác minh ngôi mộ được khai quật ở An Dương, Hà Bắc có thật là mộ của Ngụy Vũ Đế Tào Tháo hay không đã được gấp rút triển khai. Và mới đây các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố những tiến triển đầu tiên của công việc này.
Hình ảnh bên trong ngôi mộ ở An Dương được cho là của Tào Tháo. Ảnh: Xinhuanet.
Việc khai quật ngôi mộ được cho là của Tào Tháo ở An Dương, Hà Bắc hồi cuối năm ngoái đã làm dấy lên không ít những cuộc tranh luận sôi nổi trong giới khảo cổ Trung Quốc. Dù từ những hiện vật thu được, nhiều chuyên gia đã “bước đầu xác nhận” ngôi mộ ở An Dương là mộ Tào Tháo. Tuy nhiên, những ý kiến phản biện lại cho rằng, những hiện vật ấy không đủ để chứng minh chủ nhân của ngôi mộ là bản thân Tào Tháo.
Trước những cuộc tranh luận sôi nổi của nhiều chuyên gia về tính xác thực của ngôi mộ, các nhà khoa học của Trường Đại học Phúc Đán, Trung Quốc đã đưa ra phương án tìm kiếm và so sánh mẫu ADN các hậu duệ của Tào Tháo với bộ xương được tìm thấy trong ngôi mộ để xác định chủ nhân của ngôi mộ có phải là Tào Tháo hay không.
Theo những thông tin mới nhất từ những người thực hiện đề tài so sánh mẫu ADN này thì hiện tại, thông qua quá trình nghiên cứu và khảo sát ban đầu công việc lấy mẫu ADN của hậu duệ Tào Tháo đã có hai bước tiến triển lớn.
Tào Tháo không phải họ Hạ Hầu
Một cách nói lâu nay vẫn được lưu truyền rộng rãi là, Tào Tung, cha Tào Tháo vốn mang họ Hạ Hầu nhưng vì sau đó được hoạn quan Tào Đằng nhận làm con nuôi nên đổi thành họ Tào. Vì vậy, Tào Tháo thực chất là con cháu họ Hạ Hầu chứ không phải họ Tào.
Theo cách nói này thì khi tìm kiếm mẫu ADN của hậu duệ Tào Tháo thì tìm những người mang họ Hạ Hầu là chính xác hơn cả, hoặc chí ít trong nhóm đối tượng tìm kiếm mẫu ADN phải bao gồm cả những người mang họ Hạ Hầu. Tuy nhiên, Phó hội trưởng Hội Sử học Ngụy Tấn Nam Bắc Triều Trung Quốc, Hàn Thăng Dữ phủ nhận cách nói này.
Hàn Thăng Dữ nói, theo những ghi chép trong sử sách còn lưu giữ lại đến ngày nay hoàn toàn có thể khẳng định rằng, Tào Tháo không phải mang họ Hạ Hầu.
Sách “Tam Quốc Chí – Vũ Đế kỷ” chép: “Thái Tổ Hoàng đế, người nước Bái, họ Tào, tên Tháo, tự là Mạnh Đức… Thời Hoàn đế, Tào Đằng làm chức Đại Thường Thị, tước phong Phí Đình Hầu, con nuôi là Tung, làm quan đến chức Thái Úy, chưa rõ nguồn gốc ra sao. Tung sinh ra thái tổ…”. Đoạn văn này ghi rõ ràng rằng, Tào Tung là con nuôi của Tào Đằng nhưng còn nguồn gốc ra sao thì chưa rõ.
Ba bộ hài cốt được tìm thấy trong mộ (ảnh trên) và các hiện vật (các ảnh dưới). Ảnh: Xinhuanet.
Hơn nữa, cách nói “họ Tào vốn bắt nguồn từ họ Hạ Hầu” không được Trần Thọ, tác giả của “Tam Quốc Chí” nhắc tới mà chỉ là phần chú của Bùi Tùng Chi sau này. Những người nghiên cứu lịch sử Trung Quốc thời Tam Quốc đều biết rằng, tuy phần chú của Bùi Tùng Chi là sự bổ sung cho “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ, song ông ta lại tập hợp từ nhiều nguồn dã sử vì vậy có không ít những sai sót.
"Nguyên tắc nhận con thừa tự của người xưa đều là nhận con của những người trong họ về làm con mình. Theo những khảo cứu lịch sử, tuy Tào Đằng là hoạn quan nhưng ông ta cũng có anh em. Vì vậy chúng ta hoàn toàn có thể loại trừ khả năng, Tào Tháo là hậu duệ của họ Hạ Hầu theo cách nói lâu nay”.
Kết luận này đồng nghĩa với việc có thể loại bỏ những người đàn ông họ Hạ Hầu ra khỏi nhóm đối tượng cần lấy mẫu ADN như phương án ban đầu. Vì vậy đây được coi là một bước tiến trong việc tìm kiếm mẫu ADN của hậu duệ Tào Tháo.
Xác định trọng điểm phân bố hậu duệ Tào Tháo
Thông qua 285 cuốn gia phả các nhà khoa học đã xác định được trọng điểm phân bố của con cháu Tào Tháo. Ảnh: Internet.
Cho đến thời điểm hiện tại tính cả trong và ngoài nước còn lưu giữ được khoảng 285 gia phả họ Tào, trong đó nhiều gia phả có thể truy ngược về thời điểm trước thời Tống. Thông qua nghiên cứu các gia phả này, các nhà khoa học đã xác định các vùng trọng điểm để tìm kiếm hậu duệ Tào Tháo.
Một là khu vực phát nguyên của chính quyền Tào Tháo, cũng là nơi có mật độ phân bố những người họ Tào tương đối đông lúc bây giờ. Khu vực này bao gồm các khu vực xung quanh quận Bái thời đó, tức vùng giáp ranh giữa Giang Tô, An Huy, Hà Nam và Sơn Đông. Ngoài ra, trong lịch sử họ Tào cũng xảy ra sự di chuyển và căn cứ theo gia phả thì khu vực di cư của họ Tào chủ yếu ở lưu vực sông Trường Giang bao gồm các tỉnh Chiết Giang, Giang Tô, Hồ Nam,…
Theo những thông tin mới nhất thì vào tháng 3 này, các nhà khoa học Trung Quốc sẽ tiến hành lấy mẫu ADN tại các khu vực trọng điểm đã xác định để so sánh với ADN của hài cốt thu được trong ngôi mộ ở An Dương. Theo dự kiến, người ta sẽ mất khoảng 2 tháng để lấy mẫu và toàn bộ đề tài này phải mất ít nhất nửa năm mới có thể hoàn thành.