Tập Kinh thánh cổ có mức giá dự kiến lên đến 50 triệu USD

"Codex Sassoon" là một tài liệu quan trọng về văn hóa và tôn giáo Do Thái và được cho là một trong những bản thảo có giá trị nhất trên thế giới

Codex Sassoon được xem là tập ghi chép Kinh thánh tiếng Do Thái cổ nhất và đầy đủ nhất từng được phát hiện. Bộ sách được xác định có từ thế kỷ thứ IX, là mối liên hệ quan trọng giữa các tài liệu cổ xưa tại Biển Chết và Kinh thánh ngày nay.


Codex Sassoon hầu như không được công khai trong nhiều thế kỷ - được trưng bày từ ngày 22/2. (Ảnh: Sotheby's).

Theo The Guardian, bộ sách đang được Sotheby’s chào bán với giá ước tính từ 30 triệu USD đến 50 triệu USD (khoảng 700-1.200 tỷ đồng), khiến nó trở thành tài liệu hoặc bản thảo lịch sử có giá trị nhất được bán đấu giá. Kỷ lục về bản thảo và văn bản lịch sử có giá trị nhất được bán đấu giá hiện thuộc về bản in đầu tiên của hiến pháp Mỹ, được bán với giá 43 triệu USD vào tháng 11/2021.

Sau 40 năm không được ra mắt công chúng, Codex Sassoon sẽ được trưng bày trong buổi triển lãm toàn cầu tại London vào ngày 22/2 trong sáu ngày. Sau đó, nó sẽ được chuyển đến Bảo tàng ANU ở Tel Aviv (Israel) và sau đó được trưng bày ở Mỹ trước khi bán đấu giá. Dự kiến tập Kinh thánh được đưa ra đấu giá vào ngày 16/5.

Codex Sassoon được đặt theo tên của người chủ nổi tiếng của nó là David Solomon Sassoon (1880-1942), người đã tập hợp bộ sưu tập các tạo tác Do Thái và bản thảo tiếng Do Thái quan trọng nhất trên thế giới.

Mặc dù Codex Sassoon đã được các học giả qua nhiều thế hệ công nhận về tầm quan trọng của nó, nhưng nó hầu như không xuất hiện trước công chúng trong nhiều thế kỷ.

Theo Sotheby's, nghiên cứu ở hiện tại cho thấy bộ sách được viết vào khoảng 1.100 năm trước bởi một người ghi chép ở Israel hoặc Syria ngày nay.

Với khoảng 400 tờ giấy da lớn, nó chứa toàn bộ phần Kinh Thánh tiếng Do Thái, được viết bằng loại chữ tương tự chữ trong các cuộn kinh Torah trong các giáo đường Do Thái ngày nay. Sau khi đổi chủ vài lần, cuối cùng nó nằm trong một giáo đường Do Thái ở đông bắc Syria, nơi đã bị phá hủy vào khoảng thế kỷ XIII hoặc XIV. Sau đó nó biến mất gần 600 năm.

Kể từ khi xuất hiện trở lại vào năm 1929, tập Kinh thánh này đã nằm trong các bộ sưu tập tư nhân. David Solomon (Suleiman) Sassoon đã chỉ đạo một cuộc tìm kiếm suốt đời trên khắp Trung Đông để xây dựng một thư viện tôn giáo, nơi cung cấp cho thế giới các bộ luật và tài liệu về nguồn gốc có liên quan đến tín ngưỡng Abraham, Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo.

Ông mua được hiện vật này vào năm 1929 và Codex Sassoon, một trong những cuốn Kinh thánh ghi bằng tiếng Do Thái, đã trở thành một tài liệu quý giá trong bộ sưu tập đồ sộ của ông kể từ đó.

Tập ghi chép cũng bao gồm các chú thích của một số chủ sở hữu trong suốt nhiều thế kỷ, bao gồm một mục có niên đại từ đầu thế kỷ XI đề cập đến việc bán hàng của Khalaf ben Abraham, được cho là một doanh nhân cận đông hoạt động ở Palestine và Syria, cho Isaac ben Ezekiel al-Attar.

Điều khiến Codex Sassoon được chào bán với mức giá kỷ lục nằm ở giá trị lịch sử, độ hiếm của bản thảo và tính toàn vẹn của nó. Với 24 “cuốn sách” được tổng hợp thành ba phần, Codex Sassoon là bộ sách gần giống nhất với Cựu Ước (với 39 “cuốn sách” cũng tạo thành nền tảng của giáo lý Kitô giáo). Nhiều câu chuyện cổ xoay quanh nhân vật Abraham cũng được tìm thấy trong các văn bản của Hồi giáo sơ khai, tất cả đã khiến bộ sách đồ sộ này trở nên quý giá.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất