Tập tính giao phối kỳ quái bậc nhất thế giới động vật của cá cần câu Anglerfish

Khi nhắc tới cá cần câu hay còn gọi là cá lồng đèn, các bạn sẽ nghĩ đến điều gì: Bộ hàm to cùng răng nhọn lởm chởm, một cần câu phát sáng kỳ lạ ở trên đầu để dụ con mồi, hình thù kỳ dị sống ở tầng thấp dưới đáy đại dương… Tuy nhiên ít ai biết rằng loài cá này còn sở hữu một tập tính giao phối kì lạ bậc nhất trong thế giới động vật, cùng mình tìm hiểu nhé.

Trái Đất đang là ngôi nhà chung của 8.7 triệu loài sinh vật, trong đó có 1.3 triệu loài đã được con người biết đến, định danh và nghiên cứu ít nhiều về chúng. Mỗi loài nhìn chung có một tập tính giao phối để duy trì nòi giống khác nhau ít nhiều, mặc dù vậy có một số loài thì tập tính này của chúng lại kì quái hơn nhiều so với phần còn lại như nhện, bọ ngựa, ốc sên,… nhưng ấn tượng và kì quặc nhất đó là cá cần câu, tên khoa học là Ceratioid Anglerfish. Loài cá này lần đầu được các nhà khoa học tìm thấy, mô tả và phân loại vào những năm 1830 của thế kỷ 19. Sở dĩ mãi đến tận thế kỉ 19 con người mới bắt đầu tìm thấy và nghiên cứu chúng là vì loài này sống ở tầng rất thấp của đại dương, nơi mà cả ánh sáng cũng khó có thể nào rọi xuống nơi đây. Một điểm thú vị là trong quá trình nghiên cứu về loài này, các nhà khoa học dù đã biết hầu hết mọi chi tiết cơ bản của chúng như hình dáng, kích thước, tập tính săn mồi, nhưng tất cả những cái đó đều chỉ là một nửa của bức tranh khi mà hầu hết mẫu vật được các nhà khoa học nghiên cứu lúc bấy giờ đều là những con cá cần câu giống cái. Các nhà khoa học không tìm thấy những con đực của loài này, họ không biết chúng như thế nào hay đang sinh sống ở đâu.


Loài cá này sống ở tầng rất thấp của đại dương.

Mãi đến năm 1920, gần một thế kỉ sau khi loài cá này lần đầu được đưa vào hồ sơ khoa học, mọi thứ mới dần sáng tỏ. Năm 1922, một nhà sinh vật học có tên Bjarni Saemundsson đã phát hiện thấy trên người của một con cá cái có hai con cá nhỏ hơn rất nhiều đang bám dính vào bụng của chúng. Ban đầu người ta cho rằng hai con cá nhỏ hơn kia là những con Anglerfish con đang bám theo mẹ. Tuy nhiên một số mâu thuẫn được đặt ra khi người ta không phát hiện thấy dấu hiệu nào cho thấy những trứng cá đã gắn vào bụng con cái vào trước đó. Trong lúc Saemundsson đang tìm kiếm câu trả lời, Charles Tate Regan bằng một cách độc lập cũng đã tìm thấy hiện tượng những con cá nhỏ bâu vào cá cần câu tương cái tương tự như trên. Anh chàng này quyết định giải phẫu chúng ra để nghiên cứu và phát hiện rằng những con cá nhỏ hơn đấy chính là những con cá đực.


Những con cá đực không hề bị mất tích mà thực chất, nó bám trên người con cái.

Hoá ra, những con cá đực không hề bị “mất tích” như người ta vẫn nghĩ gần một trăm năm qua, chúng vẫn ở đó suốt, bám trên người con cái. Vì kích thước quá nhỏ và khác biệt so với con cái nên các nhà khoa học đã nhận dạng và phân loại sai những con đực thành loài khác hoặc lầm tưởng đó là con non. Thực tế thì một con đực sẽ nhỏ hơn con cái tới khoảng 500.000 lần về khối lượng, và kích thước của nó chỉ dài khoảng 6-7mm.


Con đực sẽ nhỏ hơn con cái tới khoảng 500.000 lần về khối lượng.

Regan và một số nhà sinh vật học khác như Albert Eide Parr đã đưa ra những giả thuyết về sự khác biệt giữa con đực và con cái. Tất cả đều đồng ý rằng sở dĩ sự khác biệt này có là do con đực không cần săn mồi, chúng không cần một bộ hàm to và gần như không phải làm gì hết vì chúng đã có con cái. Regan cho rằng con đực thực chất chỉ là một phần phụ của con cái, chúng phụ thuộc hoàn toàn vào con cái về dinh dưỡng, một dạng kí sinh thực sự.

Và cũng chính những đặc điểm trên dẫn đến tập tính giao phối kì quái của loài này. Khi những con đực tìm kiếm bạn tình vào mùa giao phối, chúng sẽ dựa vào một loại pheromone do con cái tiết ra để tìm kiếm con cái. Con cái cũng sẽ hỗ trợ việc tìm kiếm của con đực bằng cách nhấp nháy cái đèn sinh học kì lạ trên chiếc râu của chúng để con đực tìm đến. Khi đã tìm thấy con cái, con đực sẽ cắn vào bụng con cái. Chúng sẽ tiết ra một loại chất hoá học làm cho vùng này của con cái phân huỷ ra, sau đó con đực sẽ bám vào chúng, hoà làm một theo đúng nghĩa đen: phần da của cả hai sẽ liên kết với nhau và tạo thành một thể, thậm chí những phần mạch máu của con đực và con cái cũng sẽ liên kết với nhau, cả hai tạo thành một dạng sống thống nhất, hoà làm một (nghe lãng mạn đấy). Cơ thể con đực lúc này sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào con cái, chúng sẽ lấy các chất dinh dưỡng từ trong máu của vật chủ, chính là bạn tình của chúng.


Giao thức thụ tinh đặc biệt này của cá lồng đèn về thực tế nằm xa tầm tưởng tượng của con người lúc bấy giờ

Như một hệ quả dĩ nhiên, vì phụ thuộc hoàn toàn vào con cá cái, con đực sẽ không cần phải quan tâm đến bất kì một điều gì nữa. Chúng không cần phải nhìn, cũng không cần phải bơi, không cần phải săn bắt mồi hay ăn chúng,… Các cơ quan đảm nhiệm những công việc này vì thế cũng dần bị teo lại, khô héo và thoái hoá dần. Một thời gian sau, cơ thể con đực không còn gì ngoài việc trông như một cục thịt mọc lên từ phần da bụng của con cái. Thực chất thì cục thịt này chính là một “bọc chứa tinh trùng”. Nó sẽ cung cấp tinh trình cho con cái bất cứ khi nào con cái cần để thụ tinh.

Giao thức thụ tinh này về thực tế nằm xa tầm tưởng tượng của con người lúc bấy giờ. Năm 1938, một nhà tự nhiên học khác tên là William Beebe đã viết mô tả cách mà loài này giao phối theo một cách khá lãng mạn rằng: “Chúng được thúc đẩy để tìm theo mùi hương của người bạn đời khổng lồ, trong một bóng tối bao la và đầy sự cấm đoán như vậy, chúng tiến đến con cái và cắn một lỗ trên người của bạn đời, tất cả chỉ để cảm nhận một dòng máu của bạn tình đang chảy dần dần vào trong huyết quản, chấp nhận đánh mất tất cả, chấp nhận trở thành vô tri và vô trí để ghép đôi.” Rõ ràng điều này khó có thể tưởng tượng được cho đến khi chúng ta có thể thật sự tận mắt chứng kiến.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất