Tàu bảo dưỡng turbine gió chạy bằng điện lớn nhất thế giới

Mẫu tàu dài 70m do công ty Damen phát triển trang bị bộ sạc 4 MW và sử dụng cầu tàu bù trừ chuyển động để kết nối với turbine gió.

Công ty đóng tàu Damen giới thiệu Tàu bảo dưỡng (SOV) chạy hoàn toàn bằng điện với khả năng sạc ngoài khơi hôm 28/11 tại Hội thảo và triển lãm năng lượng ngoài khơi 2023 tại Amsterdam, theo Offshore Energy. Theo công ty, tàu SOV 7017 E sẽ mở đường để giảm mạnh lượng khí thải từ bảo dưỡng trang trại điện gió trên biển.


Tàu SOV 7017 E có thể sạc điện trực tiếp từ turbine gió. (Ảnh: Damen Shipyards Group).

Con tàu dài 70m và rộng 17m, có 60 cabin cung cấp chỗ ở cho thủy thủ đoàn và 40 kỹ thuật viên cùng chỗ chứa đồ và phân xưởng. Tàu SOV 7017 E trang bị 4 động cơ đẩy chân vịt bầu xoay, cung cấp lực đẩy độc lập theo mọi hướng và giảm đáng kể độ ồn dưới nước.

Khi bắt đầu xem xét thiết kế tàu cách đây ba năm, công ty hướng đến khả năng sạc ngoài khơi. Damen hợp tác với MJR Power & Automation, một công ty ở Anh từng phát triển hệ thống sạc ngoài khơi cho tàu vận chuyển nhân sự. Kết quả là hệ thống sạc sử dụng cầu tàu bù trừ chuyển động để nối tàu với turbine hoặc trạm biến áp ngoài khơi. Cầu tàu được điều khiển từ buồng lái, không đòi hỏi tương tác thủ công với thiết bị sạc. Toàn bộ hệ thống sử dụng cơ sở hạ tầng ngoài khơi có sẵn, do đó không cần thiết kế lại hoặc bổ sung thêm bộ phận vào trang trại điện gió.

Quá trình sạc được tiến hành trong khi tàu ở chế độ tiết kiệm điện mang tên "green DP" và chỉ mất vài giờ thông qua một turbine gió. Hệ thống được thiết kế theo tiêu chuẩn an toàn quốc tế, đặc biệt đáp ứng quy định ở Anh và Na Uy. MJR đã phát triển một bộ sạc 4 MW cho tàu dài 70 m. Công ty cũng đang chế tạo phiên bản 8 MW lớn hơn, có thể sạc cho tàu dài 90 m.

Tàu SOV 7017 E trang bị bộ pin 15 MW giờ, đủ cho tàu hoạt động suốt một ngày. Đây là bộ pin loại lithium sắt phosphate (LFP), bền vững hơn so với pin loại lithium nickel mangan cobalt (NMC), giúp hạn chế cháy nổ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất