Tàu NASA có thể đâm xuống mặt trăng lớn nhất Hệ Mặt trời
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tàu Europa Clipper có thể "tự sát" bằng cách lao vào mặt trăng Ganymede của sao Mộc vì mục đích khoa học.
Các nhiệm vụ không gian sâu thường là những chuyến bay một chiều. Tàu vũ trụ Europa Clipper của NASA cũng không phải ngoại lệ. Sau khi nghiên cứu mặt trăng Europa của sao Mộc, con tàu sẽ "tự sát". Nhưng thay vì lao vào sao Mộc như kế hoạch trước đó, nó có thể đâm vào mặt trăng Ganymede hoặc Callisto, nhà khoa học Bob Pappalardo cho biết trong một cuộc họp ngày 15/6.
Minh họa tàu vũ trụ Europa Clipper. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech)
Thay đổi địa điểm va chạm là một trong những biện pháp tiết kiệm ngân sách được thực hiện gần đây với nhiệm vụ Europa Clipper. Lao xuống mặt trăng Ganymede hoặc Callisto sẽ hiệu quả và tiết kiệm nhiên liệu hơn, theo Pappalardo. Một biện pháp khác là giảm các chuyến tiếp cận mặt trăng Europa của con tàu từ 53 xuống 49.
Ganymede - mặt trăng lớn nhất Hệ Mặt trời - có khả năng được chọn cao hơn với những lợi ích về khoa học. Việc Europa Clipper đâm vào Ganymede thay vì Callisto hay sao Mộc có thể bổ trợ cho nhiệm vụ JUICE trong tương lai, theo Pappalardo. Nhiệm vụ JUICE do Cơ quan Vũ trụ châu Âu phát triển, dự kiến triển khai vào năm 2023. Tàu vũ trụ trong nhiệm vụ này sẽ nghiên cứu ba mặt trăng băng giá của sao Mộc, trong đó Ganymede là mục tiêu chính.
"Nếu tàu JUICE vẫn bay trên quỹ đạo Ganymede vào thời điểm Clipper tự sát thì các công cụ của JUICE có thể theo dõi vụ va chạm và tìm hiểu về đặc tính của Ganymede", Pappalardo nói.
Nhiều tàu vũ trụ đã bị cố ý phá hủy bằng cách đâm xuống thiên thể hoặc phân rã trong khí quyển, thường nhằm bảo vệ những môi trường có khả năng phù hợp cho sự sống. Ngoài ra, việc tự hủy như vậy cũng có thể là một nhiệm vụ nghiên cứu, ví dụ, tàu Deep Impact của NASA lao vào một sao chổi để các nhà khoa học có thể tìm hiểu thành phần cấu tạo.
Trong trường hợp của Europa Clipper, vụ tự sát nhằm bảo vệ mặt trăng Europa. Giống như Europa, Ganymede được cho là có một đại dương dưới bề mặt, đồng nghĩa mặt trăng này có thể chứa những thành phần phù hợp cho sự sống. Tuy nhiên, nhóm phụ trách Europa Clipper đã làm việc với bộ phận Bảo vệ Hành tinh thuộc NASA và xác định rằng nguy cơ con tàu làm ô nhiễm vùng nước này rất nhỏ do Ganymede có lớp vỏ băng và thạch quyển dày.
Trong quá trình Europa Clipper nghiên cứu thêm về sao Mộc và các mặt trăng, địa điểm tự hủy của con tàu có thể thay đổi một lần nữa dựa trên thông tin mới. Nhưng hiện tại, có vẻ Ganymede sẽ phải chịu một vụ va chạm lớn.
- Poseidon: Vũ khí Nga được phương Tây ví như "cỗ máy tận thế", có thể gây sóng thần cao 90m
- Etruscans: Nền văn minh cổ đại rực rỡ, bí ẩn đối với các nhà khoa học
- Những kỳ quan thiên nhiên đẹp như mơ của thế giới đã vĩnh viễn biến mất trong chỉ 10 năm qua