Tàu NASA tiết lộ nguyên nhân mất sóng vô tuyến ở Thái Bình Dương
Một vụ nổ rất mạnh đã làm ion hóa phần trên của bầu khí quyển Trái đất, dẫn đến gián đoạn tín hiệu vô tuyến sóng ngắn.
Theo Live Science, Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) vừa đưa ra lời giải đáp cho sự cố gián đoạn sóng vô tuyến vừa xảy ra ở Thái Bình Dương.
Đó là một "quả bom lửa" được Mặt trời bắn ra từ ngày 28-3. Sau chặng đường vài ngày, bức xạ điện từ cực mạnh từ "quả bom lửa" này đã đập vào từ quyển Trái đất, gây nên sự cố đối với hệ thống liên lạc vô tuyến.
Khoảnh khắc ngọn lửa Mặt trời bùng lên, nguyên nhân sâu xa của sự cố mất sóng vô tuyến - (Ảnh: SDO/NASA).
Kết luận này được đưa ra nhờ những hình ảnh từ Đài quan sát Động lực học Mặt trời (SDO), một tàu vũ trụ của NASA đang bay vòng quanh ngôi sao mẹ của chúng ta.
Trong bức ảnh, một đốm sáng rất mạnh lóe lên từ bề mặt Mặt trời. Đó là khoảnh khắc "quả bom lửa" được bắn ra.
Đó là một ngọn lửa lên tới cấp X1.1, là một trong các ngọn lửa mạnh nhất từng bùng lên từ Mặt trời. Thời điểm nó bắt đầu phát ra khỏi Mặt trời là 16 giờ 56 phút chiều 28-3 (giờ Mỹ), tương ứng 4 giờ 56 phút sáng 29-3 theo giờ Việt Nam.
Tính đến thời gian cần thiết để quả bom lửa này đi đến Trái đất, vụ mất sóng vô tuyến ở Thái Bình Dương là hoàn toàn phù hợp.
Ngọn lửa này cũng đi kèm với một vụ phóng khối lượng đăng quang (CME), có thể hiểu như một quả cầu lửa lớn làm bằng plasma.
NOAA dự đoán nó sẽ đi chệch hướng với Trái đất, nhưng những gì diễn ra sau đó cho thấy dù có chệch hay không, quả cầu lửa này cùng với ngọn lửa đi kèm rõ ràng đã gây ra bão địa từ mạnh.
Trái đất có thể sẽ bị tấn công dữ dội hơn nữa trong các ngày tới, khi Mặt trời đi vào giai đoạn đỉnh cao của chu kỳ hoạt động 11 năm.
Tuy vậy, đó vẫn là hiện tượng tự nhiên. Con người cũng khó cảm nhận trực tiếp tác động từ bão địa từ, nhưng các nhà khai thác hàng không vũ trụ có thể cần theo dõi kỹ lưỡng thời tiết không gian hơn, bởi nó cũng gây ảnh hưởng ít nhiều đến hệ thống định vị, vô tuyến.
- Mỹ gấp rút phòng bị thảm họa bão mặt trời
- Video: Mỹ công bố cảnh tượng vật chất bùng nổ trên mặt trời
- Năm 2030, một cơn bão mặt trời có thể là thảm họa đối với thế giới