Tàu thám hiểm sao Hỏa có nguy cơ tự diệt
Con tàu Curiosity của NASA có thể tự phá hủy hệ thống điện của chính mình ngay sau khi kích hoạt mũi khoan tích hợp để đào mẫu đá sao Hỏa.
NASA đã chính thức thừa nhận nguy cơ này, đồng thời nói thêm rằng lỗi của mũi khoan đã được biết đến từ trước cả khi Curiosity rời khỏi Trái đất. Tuy nhiên, do phát hiện quá muộn nên nhóm Động cơ phản lực buộc phải triển khai một giải pháp tình thế vào phút chót.
Theo Space.com, một liên kết bên trong cơ chế khoan của tàu có thể bị gãy và gây ra chập điện. Trong tình huống xấu nhất, toàn bộ hệ thống máy tính của Curiosity có thể sẽ bị hỏng.
“Trừ phi chúng ta sửa được, nếu không toàn bộ tàu sẽ bị mũi khoan giật điện tung lên”, Kỹ sư trưởng Rob Manning của dự án Curiosity cảnh báo.
Có thể lỗ hổng này không thể ảnh hưởng đến 2 năm chính thức khám phá sao Hỏa của tàu Curiosity theo kế hoạch, song không ai có thể nói trước điều gì sẽ xảy ra khi thời hạn này kết thúc. NASA từng phấn khích trước những thành quả ban đầu của Curiosity tới mức cơ quan này dự định tiếp tục duy trì hoạt động của tàu tới “lâu nhất có thể”. Mũi khoan lỗi lại là một nhân tố chủ chốt trong dự định đó, khi mà Curiosity có khả năng đào sâu tới 2,54cm vào nền đá sao Hỏa.
Hiện tại, Curiosity chỉ mới đang thu thập mẫu đất bề mặt sao Hỏa nên chưa dùng đến mũi khoan. NASA dự định sẽ triển khai mũi khoan trước cuối năm nay khi tìm được hiện trường phù hợp.
Tại thời điểm nhóm Curiosity phát hiện thấy lỗi quay quá nhanh của máy khoan, việc thay thế cơ chế khoan mới đã là quá muộn. Vì thế, các kỹ sư chỉ có thể lắp đặt một lưới an toàn để đảm bảo nguồn điện chính của tàu không bị ảnh hưởng.
Con tàu trị giá 2,5 tỷ USD Curiosity đáp xuống hố sâu Gale trên sao Hỏa hôm 5/8 vừa qua, mang theo sứ mệnh xác định liệu trên hành tinh đỏ có từng tồn tại sự sống vi sinh hay không.