Tẩu thuốc khắc hình hổ Tasmania 200 năm tuổi
Tẩu thuốc làm bằng đất sét vẫn còn nguyên vẹn và được đánh giá là phát hiện khảo cổ quan trọng của đảo Tasmania.
Stephen Sleightholme, tiến sĩ thuộc dự án Kho dữ liệu về mẫu vật hổ Tasmania quốc tế (ITSD) mua chiếc tẩu đất sét trong buổi bán đấu giá và thông báo với Darren Watton, nhà khảo cổ tại tổ chức Southern Archaeology, ABC News hôm 8/5 đưa tin. Chiếc tẩu được phát hiện ở bãi phế thải chai lọ gần Launceston, đảo Tasmania. Những chiếc chai tại đây tồn tại từ khoảng năm 1830.
Tẩu thuốc 200 năm tuổi làm bằng đất sét. (Ảnh: ABC News).
Watton nhận xét đây là một phát hiện vô cùng thú vị. "Chiếc tẩu mang một số điểm đặc biệt mà chúng tôi hiếm khi bắt gặp. Một người địa phương đã tạo ra nó, có thể để bản thân sử dụng", ông nói.
Tẩu thuốc còn nguyên vẹn với họa tiết hổ Tasmania, loài thú ăn thịt tuyệt chủng từ năm 1936. Người xưa từng ưa chuộng tẩu thuốc đất sét trước khi thuốc lá được sản xuất rộng rãi vào thế kỷ 19. Họ chế tạo tẩu thuốc bằng khuôn đúc. Tẩu thuốc thường được sản xuất tại Anh hoặc các nước châu Âu, sau đó xuất khẩu sang những khu vực khác. Tuy nhiên, chiếc tẩu này được làm thủ công tại địa phương với đất sét lấy từ sông.
Họa tiết hổ Tasmania khắc trên tẩu thuốc. (Ảnh: ABC News).
"Họa tiết hổ Tasmania với bộ lông vằn đặc trưng trên tẩu thuốc không liên quan đến bất cứ hình ảnh nào từ thế kỷ 19 có thể dùng làm mẫu. Nghĩa là họa tiết này là nguyên bản, một trong số những hình ảnh về hổ Tasmania lâu đời nhất chúng tôi từng phát hiện", Sleightholme nhận định.
Ngoài hổ Tasmania, chiếc tẩu còn có họa tiết rất giống chim bói cá kookaburra. Sinh vật này được đưa đến đảo Tasmania năm 1902, trong khi chiếc tẩu ra đời trước đó hàng chục năm. Điều đó cho thấy người chế tạo từng sống ở đại lục Australia trước khi tới Tasmania. Giả thuyết thứ hai cho rằng họa tiết này thực chất miêu tả loại chim bói cá Tasmania khác, hoặc chỉ là một con chim nói chung.
- Những thói quen cực xấu hại sức khỏe của các đời Tổng thống Mỹ
- Bất ngờ loài cây đầu tiên người tiền sử thuần dưỡng