Tàu vũ trụ Ấn Độ né tàu quay quanh Mặt trăng của NASA

Tàu bay quanh Mặt trăng Chandrayaan-2 của Ấn Độ phải điều chỉnh đường bay để tránh di chuyển quá gần tàu Lunar Reconnaissance của NASA.


Mô phỏng tàu Lunar Reconnaissance bay quanh Mặt trăng. (Ảnh: NASA)

Hồi giữa tháng 10, dữ liệu từ Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) và NASA cho thấy hai tàu vũ trụ sẽ bay cực gần nhau ở cực bắc của Mặt trăng vào ngày 20/10.

"Trong thời gian một tuần trước cuộc đụng độ, phân tích của cả ISRO và NASA đều chỉ ra bán kính quỹ đạo của hai tàu cách nhau chưa đến 100m. Ước tính khoảng cách gần nhất giữa Chandrayaan-2 và Lunar Reconnaissance chỉ khoảng 3km", theo thông báo của ISRO.

Hai cơ quan vũ trụ thỏa thuận tàu vũ trụ của Ấn Độ sẽ thực hiện thao tác tránh va chạm hôm 18/10 bằng cách điều chỉnh quỹ đạo. Cả hai tàu đều quay quanh Mặt trăng ở gần vùng cực, có nghĩa bộ đôi chắc chắn có nguy cơ bay gần nhau.


Đường bay của tàu Chandrayaan-2 (CH2O) trước và sau thao tác điều chỉnh quỹ đạo để tránh va chạm (CAM). (Ảnh: ISRO)

"NASA và ISRO cùng điều phối thao tác tránh va chạm do tàu vũ trụ Chandrayaan-2 tiến hành hôm 18/10", Nancy Jones, phát ngôn viên của NASA ở Trung tâm bay vũ trụ Goddard, chia sẻ. "Những sự hợp tác như vậy giữa các cơ quan vũ trụ sẽ giúp đảm bảo hoạt động an toàn cho vệ tinh bay quanh Mặt trăng. Tàu Lunar Reconnaissance và Chandrayaan-2 đều không gặp nguy hiểm".

Việc điều chỉnh đường bay rất phổ biến ở quỹ đạo Trái Đất, nơi hàng nghìn vệ tinh đang hoạt động. Quản lý giao thông vũ trụ cần sự hoạch định kỹ càng hơn do độ trễ của tín hiệu truyền giữa trung tâm điều khiển trên Trái Đất và các địa điểm xa xôi như Mặt trăng hoặc sao Hỏa.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất