Tàu vũ trụ Solar Orbiter bay xuyên qua đuôi sao chổi
Tàu vũ trụ Solar Orbiter lao qua đuôi sao chổi Leonard, chụp ảnh và mang lại những phân tích giá trị cho các nhà khoa học.
Khi sao chổi Leonard tạm biệt Trái đất và bay qua sao Kim, tàu nghiên cứu Mặt trời Solar Orbiter của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã lao xuyên qua phần đuôi dài và mang đến cho các nhà khoa học những thông tin mới về sao chổi.
Tàu vũ trụ Solar Orbiter chụp ảnh sao chổi Leonard qua các thời điểm khác nhau giữa tháng 12/2021. (Ảnh: ESA/Solar Orbiter/Metis Team)
Leonard, còn gọi là sao chổi C/2021 A1, được phát hiện vào tháng 1 năm ngoái. Với những người thích quan sát bầu trời, đây có lẽ là vật thể ngoạn mục nhất bay ngang qua trong năm 2021. Nó có một "màn trình diễn" ấn tượng trong hành trình lao về phía Mặt trời, đặc biệt là trong giai đoạn gần ngày 12/12, thời điểm tiếp cận Trái đất gần nhất.
Solar Orbiter đã thu thập dữ liệu về sao chổi trong vài ngày xung quanh mốc 17/12. Vào thời điểm đó, sao chổi Leonard đang di chuyển xa khỏi Trái đất và tiến về phía Mặt trời. Nó tới gần Mặt trời nhất vào ngày 3/1.
Trong khi đó, Solar Orbiter đã hoàn thành chuyến bay qua sát Trái đất ngày 27/11 và cũng đang hướng tới Mặt trời để thực hiện chuyến tiếp cận vào tháng 3. Dù tâm của Leonard ở gần sao Kim và cách con tàu khoảng 44,5 triệu km vào giữa tháng 12, đuôi sao chổi vẫn kéo dài qua quỹ đạo Trái đất, theo ESA.
Samuel Grant, nghiên cứu sinh tại Đại học College London, đoán trước rằng Solar Orbiter sẽ bay qua đuôi sao chổi nhờ một chương trình máy tính theo dõi đường bay của tàu vũ trụ, quỹ đạo sao chổi và gió Mặt trời - dòng hạt mang điện liên tục phóng ra từ Mặt trời và xuyên qua hệ Mặt trời, tạo hình cho đuôi ion của các sao chổi.
Dù được thiết kế để nghiên cứu Mặt trời, Solar Orbiter vẫn trang bị một số công cụ có thể thu thập dữ liệu về đuôi của Leonard. Ví dụ, bộ công cụ Phân tích Gió Mặt trời của con tàu phát hiện các ion và hợp chất thuộc về sao chổi thay vì gió Mặt trời, bao gồm các ion oxy và CO2. Ngoài ra, từ kế của tàu cũng ghi nhận những dấu hiệu nhiễu loạn từ trường có thể do sự tương tác của sao chổi với từ trường Mặt trời gây ra.
Ngoài ra, Solar Orbiter còn chụp một số bức ảnh giá trị. Con tàu thu thập các hình ảnh cực tím có thể giúp giới khoa học nghiên cứu nước trong sao chổi và ảnh chụp dưới ánh sáng khả kiến giúp cung cấp thêm thông tin về bụi sao chổi.
Solar Orbiter là tàu vũ trụ duy nhất trực tiếp đi xuyên qua đuôi Leonard, nhưng nhiều tàu khác ở phía trong của hệ Mặt trời cũng đã nghiên cứu sao chổi này, bao gồm tàu STEREO-A, Parker Solar và SOHO. Với Solar Orbiter, đây là lần thứ hai bay xuyên đuôi sao chổi. Con tàu từng lao qua đuôi sao chổi ATLAS vào năm 2020, không lâu sau khi phóng.
- Tên lửa SpaceX sắp đâm vào Mặt trăng sau 7 năm trôi nổi trong không gian
- Máy bay vũ trụ tái sử dụng với sức chở hơn 2.200kg
- Giải mã những bí ẩn về tảng đá vũ trụ 50 năm qua