Tên lửa BrahMos từ Su-30MKI: Cặp đôi hoàn hảo diệt tàu chiến trong nháy mắt
BrahMos, tên lửa hành trình siêu thanh nhanh nhất thế giới lần đầu tiên đã được Ấn Độ phóng thử thành công từ một máy bay tiêm kích Sukhoi-30MKI của Nga.
"Vụ phóng thử thành công lần đầu tiên một tên lửa hành trình BrahMos từ máy bay Su-30MKI sẽ gia tăng mạnh mẽ khả năng tác chiến trên không của Không quân Ấn Độ từ các khoảng cách rất xa, nằm ngoài tầm với của hỏa lực phòng không đối phương", Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết trong một thông cáo đưa ra ngày hôm qua (22/11).
Ảnh minh họa tên lửa BrahMos lần đầu tiên được phóng thử thành công từ tiêm kích Su-30MKI. (Ảnh: India.com).
Theo đó, một chiếc tiêm kích Su-30 cải tiến cất cánh từ Căn cứ không quân Kalaikunda ở bang Bengal phía Tây Ấn Độ đã tấn công và tiêu diệt nhanh gọn một chiếc tàu chiến được lấy làm mục tiêu giả định trên Vịnh Bengal.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã lên tiếng chúc mừng lực lượng quân đội nước này và các chuyên gia tên lửa của Tập đoàn BrahMos Aerospace và gọi đó là "một thành tựu nổi trội".
Các vụ phóng thử tên lửa từ máy bay vẫn được xem là sự kiện nhiều rủi ro vì đã từng có hàng chục máy bay bị phá hủy trong các vụ thử như vậy trên thế giới.
Phát biểu trên tờ Hindustan Times, một quan chức chính phủ cao cấp của Ấn Độ cho rằng, thành công của vụ thử cho thấy tên lửa BrahMos hiện đã sẵn sàng để đưa vào biên chế cho Không quân nước này.
Ấn Độ hiện đang có kế hoạch trang bị tên lửa hành trình BrahMos cho ít nhất 3 phi đội Su-30, gồm tổng cộng 18 chiếc.
Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos của Ấn Độ. (Ảnh: Sputnik).
BrahMos là dự án liên doanh giữa Ấn Độ và Nga, được đặt theo tên gọi của 2 dòng sông Brahmaputra và Moskva ở hai nước. Đây là loại tên lửa hành trình siêu thanh nhanh nhất thế giới theo phân loại hiện tại, có thể đạt vận tốc Mach 3.0, tức nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh. Tên lửa có tầm bắn 290 km và nặng 2,5 tấn, là loại vũ khí nặng nhất mà Su-30 từng mang theo.
Một tên lửa như BrahMos "có thể là thứ vũ khí thay đổi cuộc chơi trong bất kỳ lực lượng không quân nào trên thế giới", Sudhir Mishra, Giám đốc điều hành của BrahMos Aerospace nhận xét.
Đến nay, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã sở hữu các tên lửa BrahMos phiên bản lục quân và hải quân, do đó vụ phóng thử thành công lần này sẽ giúp New Delhi hoàn thiện bộ 3 tên lửa hành trình chiến thuật.
Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin từng phát biểu, trong tương lai, Su-30MKI không chỉ mang theo tên lửa BrahMos mà còn có thể phóng được 3 loại tên lửa nhỏ hơn cùng chủng loại. Ấn Độ cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai một biến thể BrahMos nâng cấp với tầm bắn xa hơn - 450km.