Tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc rơi xuống Trái đất không kiểm soát
Phần còn lại của tên lửa do Trung Quốc chế tạo trở thành khối rác vũ trụ lớn nhất rơi xuống bề mặt Trái đất trong gần 3 thập kỷ.
Tầng trung tâm (core stage) của tên lửa này đã tái nhập bầu khí quyền lúc 15h33 ngày 11/5, giờ GMT, theo Phi đoàn Kiểm soát Không gian 18 của Lực lượng Không gian Mỹ (18 SPCS). Lúc này, vật thể đang bay qua Đại Tây Dương, ngoài khơi bờ biển Tây Phi.
"Đây là vật thể có khối lượng lớn nhất tái nhập (khí quyển) một cách không kiểm soát kể từ (trạm không gian) Salyut-7 nặng 39 tấn năm 1991", Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn nổi tiếng tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, cho biết trên Twitter.
Mô phỏng đường đi của tên lửa Trường Chinh 5B trên đoạn cuối quỹ đạo hôm 11/5. Nó tái nhập bầu khí quyền ở phía bắc Đại Tây Dương, gần bờ biển Tây Phi. (Ảnh: Aerospace Corp).
Theo chuyên trang Spaceflight Now, vật thể dài khoảng 30 mét và rộng 5 mét, có khối lượng xấp xỉ 20 tấn. Đây là khối rác vũ trụ lớn thứ tư rơi trở lại Trái đất trong lịch sử, sau trạm không gian Skylab năm 1979, tầng tên lửa của Skylab năm 1975 và Salyut-7, trạm không gian của Liên Xô, năm 1991.
Các phương tiện không gian thường xuyên tái nhập bầu khí quyền, nhưng chúng hiếm khi có kích cỡ lớn và thường được trang bị thiết bị định hướng di chuyển để trở về Trái đất một cách an toàn, tiêu biểu là rơi xuống Nam Thái Bình Dương. Tên lửa của Trung Quốc lần này có vẻ không như vậy.
Quỹ đạo tái nhập bầu khí quyển của các tên lửa vốn rất khó dự đoán, vì chúng di chuyển với vận tốc hàng nghìn km một giờ. Tuy nhiên, hầu hết bộ phận của vật thể sẽ bốc cháy trên không, chỉ một số phần có thể rơi xuống bề mặt Trái đất.
"Đối với một vật thể lớn như thế này, những phần rắn dày như linh kiện động cơ tên lửa có thể rơi xuống Trái đất", chuyên gia McDowell nói với CNN. "Một khi chúng đến tầng thấp khí quyển, chúng sẽ di chuyển tương đối chậm, vì vậy tình huống tệ nhất là chúng có thể tàn phá một ngôi nhà".
Dù vậy, vị chuyên gia lưu ý rằng thiệt hại lần này sẽ không đáng kể, chỉ tương đương một mảnh vật thể rơi từ máy bay xuống mặt đất.
Tầng trung tâm tên lửa Trường Chinh 5B trong một nhiệm vụ trước đó. (Ảnh: Tân Hoa Xã).
Theo Spaceflight Now, tên lửa Trung Quốc bay theo quỹ đạo nằm giữa hai vĩ tuyến 41,1 bắc và nam, có nghĩa là việc tái nhập bầu khí quyển có thể xảy ra ở cả các địa điểm xa về phía bắc như New York lẫn các địa điểm xa về phía nam như Wellington, New Zealand.
Song cuối cùng, bất cứ thành phần nào của vật thể không bị đốt cháy trên không dường như đều rơi xuống biển, cách xa các khu dân cư.
Tên lửa Trường Chinh 5B được phóng lên quỹ đạo hôm 5/5 từ bãi phóng Văn Xương trên đảo Hải Nam, mang theo nguyên mẫu tàu vũ trụ thử nghiệm thế hệ tiếp theo của Trung Quốc.
Trung Quốc dự tính phóng ít nhất 3 tên lửa Trường Chinh 5B trong năm 2021 và 2022, để chở các bộ phận cho trạm không gian của nước này. Do đó, các vụ tái nhập bầu khí quyển không kiểm soát khác có thể xảy ra trong vài năm tới.
- Cảnh tượng hiếm thấy gây choáng ngợp ở bờ biển California
- Giờ UTC là gì và vì sao nó còn được gọi là GMT?
- Đang đi đường, người đàn ông bất ngờ đạp trúng viên đá trị giá 2 tỷ USD