Thảm cảnh ở quốc gia nhiều tháng không có lấy một giọt mưa, các nữ sinh chỉ ước có một bữa no
Nam Sudan đã trải qua nhiều tháng mà không có mưa. Điều này đang ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống của người dân, nhất là trẻ em gái.
"Có những lúc cháu cảm thấy đói đến mức phải nghĩ rằng việc đi học thật là lãng phí. Cháu đã nhiều ngày phải nghỉ học", đó là tâm sự của Martha, một nữ sinh 15 tuổi khi đang cho sách giáo khoa toán vào trong cặp lúc tiếng chuông giờ giải lao reo vang.
Trước đây, trường học của Martha ở Rumbek, bang Lakes đón hàng nghìn học sinh. Các lớp học bê tông luôn chật kín học sinh mặc đồng phục rực rỡ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, học sinh đến trường ngày càng ít, đặc biệt là trẻ em gái. Họ buộc phải ở nhà khi nạn đói đang hoành hành tại đất nước này.
Một số nữ sinh được khuyến khích đi ra ngoài làm việc phụ giúp cha mẹ. Số khác thì buộc phải ăn ít hơn những người đàn ông, con trai trong gia đình vì họ bỏ sức lao động nhiều hơn.
Nam Sudan, quốc gia trẻ nhất thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng đói kém. Có khoảng 7,7 triệu người, tương đương 63% dân số phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng này xảy ra bởi nhiều yếu tố bao gồm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; biến đổi khí hậu (hạn hán, khô hạn)...
Nam Sudan đã trải qua đợt hạn hán khắc nghiệt.
"Trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng này, chủ yếu là trẻ em gái. Chúng ta phải đang phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng", một thành viên của tổ chức Plan International cho hay.
Những bé gái chưa bao giờ được ăn no
Theo tổ chức này, khi thực phẩm khan hiếm, các cô gái thường ăn ít hơn hoặc là ăn sau cùng. Phụ nữ và trẻ em gái chiếm 70% dân số nghèo đói trên thế giới. Tại những gia đình khó khăn, trẻ em gái thường nghỉ học nhiều hơn bé trai và các em cũng bị ép buộc kết hôn sớm.
Martha là chị cả trong gia đình có 7 người con. Nữ sinh này muốn trở thành bác sĩ nhưng ước mơ đó giờ đây ngày càng xa vời. Nữ sinh chia sẻ: "Cha cháu thi thoảng yêu cầu cháu ở nhà và giúp gia đình kiếm thức ăn. Ông ấy cũng yêu cầu em gái cháu ở nhà thay vì đi học".
Ngay cả những ngày Martha được đi học, cô cảm thấy mình bị tụt lại phía sau so với các bạn, nữ sinh không hiểu những bài học mới tiếp theo: "Cháu đã cố gắng bắt kịp mọi người nhưng rất khó vì các bạn giải thích khác với cách giáo viên dạy".
Clement Makuak đã là giáo viên hơn 16 năm. Thầy giáo này dạy toán, khoa học và tiếng Anh. Mỗi ngày ghi sổ đầu giờ, anh lại thấy học sinh đến lớp ít đi.
Clement Makuak chứng kiến cảnh học sinh ít dần đi.
Vào buổi trưa, hàng trăm em học sinh đứng xếp hàng dài để nhận phần cơm trưa tại trường. Bữa ăn chỉ có đậu và cơm nhưng nhiều học sinh vẫn háo hức vì họ sẽ được lấp đầy chiếc bụng trống rỗng.
Trường Martha là một trong 38 trường ở Lakes State được tài trợ ăn trưa. Nơi đây cung cấp miễn phí bữa trưa cho 21.000 học sinh mỗi ngày. Trước đây, có 71 trường được hỗ trợ nhưng giờ chương trình này bị thu hẹp lại do tài chính khó khăn.
Việc cắt giảm trên đồng nghĩa với việc nhiều học sinh chỉ được ăn một bữa mỗi ngày ở nhà mà thôi. Trong khi trước đây, khi trường có bữa ăn trưa, các em đã có 2 bữa mỗi ngày.
Hellena, một học sinh cùng trường với Martha chia sẻ rằng: "Chúng cháu chỉ được ăn một lần trong ngày vào buổi tối, sáng và trưa gia đình chúng cháu không có gì để ăn".
Chuyện thiếu ăn trong cộng đồng địa phương nơi đây không phải là điều hiếm thấy. Hellena cũng giống như nhiều bạn bè cùng trang lứa, nữ sinh này không có đủ chất dinh dưỡng để tăng trưởng và phát triển vì nhiều tháng qua, trời không có lấy một giọt mưa.
"Các loại cây bố mẹ cháu hay trồng là lạc, cao lương và ngô nhưng chúng chưa thể thu hoạch được vì không có mưa. Bây giờ gia đình cháu chỉ ăn lá bí ngô. Đây là loại rau chỉ có lá mà không sản sinh được ra quả", nữ sinh Hellena cho biết.
Gia đình nữ sinh này phải cố gắng chi tiêu tằn tiện để trang trải tiền học phí và ăn uống với khoản thu nhập ít ỏi. Cha Hellena bán những túi đường nhỏ ven đường, còn mẹ cô từng đi bán đậu phộng nhưng giờ bà đã nghỉ bán vì không đủ tiền mua hàng hóa với giá thị trường ngày càng đắt đỏ.
Tương lai đầy bấp bênh
Hellena nói rằng cơn đói cồn cào khiến cô bé không thể tập trung học được: "Cuộc sống ngày một khó khăn đối với cháu và các bạn cùng lớp. Cháu không thể tập trung để hiểu các bài học buổi chiều. Cháu chỉ có thể tích cực vào giờ học sáng mà thôi".
Giống như Martha nhiều nữ sinh khác cũng thường phải nghỉ học. Hellena giải thích rằng cô bé phải ở nhà nhiều ngày vì không có ai chăm sóc các em trong khi cha mẹ đi kiếm thức ăn.
"Đôi khi lớp học sẽ thiếu một vài bạn trong nhiều ngày. Chuyện này xảy ra quá đỗi thường xuyên", nữ sinh cho biết thêm.
Khi giáo viên Clement đến thăm nhà của một trong những học sinh nữ đã nghỉ học, anh thấy rằng cô bé được giao nhiệm vụ làm việc nhà và chăm sóc các em giúp cha mẹ. Trong khi đó, người lớn ra ngoài tìm kiếm cái ăn
Tương lai của những đứa trẻ không biết về đâu khi cái đói đeo bám.
Grace, 14 tuổi, ước mơ một ngày trở thành nhà khoa học máy tính, nhưng gần đây cô bé cũng đang phải vật lộn để tập trung vào việc học: "Cháu chỉ ăn một lần một ngày. Hôm nay, cháu đã ăn lá bí đỏ, nhưng vẫn chưa đủ. Cháu cảm thấy mình vẫn cần ăn nhiều hơn thế. Sau đó, khi cháu bắt đầu làm bài tập về nhà và những việc khác như lấy nước ở xa, cháu thấy chân tay bủn rủn, người không có sức lực".
Mặc dù gia đình Grace sống gần trường học, nhưng nước sinh hoạt luôn ở rất xa và nữ sinh cần phải đi bộ trong 30 phút để đến một điểm có nước.
"Cháu đã đôi lần phải trốn học vì nhà thậm chí không còn cọng rau nào để ăn. Cháu phải trông các em giúp bố mẹ. Ngay cả khi cháu được đi học thì cũng cảm thấy không có sức để viết hay hiểu những gì giáo viên đang giảng", Grace chia sẻ cuộc sống khó khăn của mình.
Là con gái, Grace thường thấy mình ăn ít hơn các em trai mình: "Mẹ cháu thường nói nhường đồ ăn cho các con trai. Cháu thấy không công bằng. Chúng cháu đều cần được ăn như nhau".
Nyanagok đến từ tổ chức Plan International cho biết: "Chúng tôi đã gặp phải nhiều tình huống mà các bé gái ăn ít hơn so với các bé trai. Trong nền văn hóa của chúng tôi, luôn có sự ưu tiên cho con trai.
Chúng tôi luôn nói với mọi người rằng con trai và con gái đều bình đẳng, đặc biệt là trẻ em vì chúng đang lớn nên cần được chia sẻ lương thực như nhau".
Theo Nyanagok, cuộc khủng hoảng đói kém đang khiến các trẻ em gái bị thiệt thòi. Nhiều học sinh ở trường Martha và trên toàn Nam Sudan giờ đây việc ăn đầy đủ một bữa cũng là xa xỉ.
"Tháng Giêng là tháng cuối cùng cháu được ăn hai bữa. Trong thời gian khô hạn này, cháu cảm thấy đói hơn. Cháu thi thoảng cũng bị đau bụng và đau đầu. Cảm giác đó thật tệ", Martha thừa nhận sự thật đau lòng và cho biết hiện tại gia đình cô bé chỉ ăn một lần mỗi ngày chủ yếu là bột ngô và muối.
- Xe bay sạc nhanh tốc độ lên tới 225km/h
- Khám phá mới: Biến nhựa thành kim cương bằng tia laser
- Sông băng trên dãy Alps ở Thụy Sĩ tan chảy để lộ con đường đầy đá