Thành phố của người chết xây dựng ngay bên dưới Jerusalem
Thành phố của người chết hiện đang được xây dựng ngay bên dưới thủ đô Jerusalem của Israel và được cho là sẽ giúp người chết hồi sinh.
Theo Daily Mail, thành phố của người chết này thực chất là một hầm mộ khổng lồ bên dưới lòng đất. Chi phí xây dựng ước tính vào khoảng 50 triệu USD, chứa được khoảng 22.000 xác chết và có thể mở rộng thêm.
Phác họa hầm mộ một khi công tác xây dựng hoàn tất.
Để tới được hầm mộ, mọi người sẽ phải đi qua đường hầm dài 800 mét và một thang máy dẫn xuống dưới lòng đất. Nơi an nghỉ cho người đã khuất ở phía tây bắc Jerusalem dự kiến sẽ được hoàn tất trong 2 năm tới, đủ sức chứa cho người dân trong thành phố trong vòng 25 năm tới.
Hầm mộ được mệnh danh là thành phố của người chết.
Ngay trên thành phố của người chết là nghĩa trang Har HaMenuchot, nghĩa trang lớn nhất của Israel với hơn 150.000 người đã được chôn ở đây.
Arik Glazer, chủ đầu tư dự án nói: “Chúng tôi lên ý tưởng này để cung cấp cách an táng khác, rất an toàn và kín đáo. Không đủ chỗ trên mặt đất nên xây dựng dưới lòng đất là lựa chọn khả dĩ nhất”.
Dự án sẽ hoàn tất trong vòng 2 năm tới.
Một khoản tiền lớn đầu tư cho dự án đến từ việc đặt chỗ từ trước, đa số là người Do Thái sinh sống ở nước ngoài. Các công dân Israel trong tương lai đều được an táng miễn phí ở đây.
Nhiều người Do Thái tin rằng việc được chôn ở nghĩa địa khổng lồ này sẽ giúp họ được hồi sinh sớm nhất.
Dự án đưa người dân sống ở Jerusalem trở về với cách an táng truyền thống.
“Mọi người đều đồng tình với dự án này”, chủ đầu tư nói. Nó giống như cách thức an táng phổ biến từ hàng thế kỷ trước.
“Cách an táng này đã có này cách đây 1.600 – 2.000 năm. Chúng tôi chỉ khôi phục lại truyền thống vì không còn nhiều chỗ trống cho người chết trên mặt đất”.
Chi phí xây dựng hầm mộ khổng lồ dưới lòng đất lên tới 50 triệu USD.
Ở một thành phố nổi tiếng với nhiều di sản quý giá, ông Glazer nói các đơn vị thi công đã hết sức cẩn thận để không xâm phạm vào các tàn tích hoặc mộ cổ.
“Đây có lẽ là thành phố của người chết đầu tiên trên thế giới, ít nhất là trong thời hiện đại”, ông Glazer cho biết.