Thích dậy sớm, bạn có thể mang "dấu ấn" của người khác loài
Một bằng chứng mới cho thấy dòng máu người khác loài Neanderthals và Denisovans vẫn tồn tại trong chúng ta.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Vanderbilt, Đại học Pennsylvania và Trường Đại học California ở San Francisco - UCSF (Mỹ) chỉ ra một dấu ấn sinh lý học đặc biệt có thể chỉ ra bạn có một vị tổ tiên là là người khác loài hay không, theo Science Alert.
Người khác loài Neanderthals - (Ảnh: ANCIENT ORIGINS).
Người Neanderthals và Denisovans vốn là các loài anh em cùng thuộc chi Homo (chi Người) với loài Homo sapiens chúng ta (tức người tinh khôn, người hiện đại).
Họ đã tuyệt chủng khoảng hơn 30.000 năm trước. Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy dòng máu của họ đã len lỏi vào cộng đồng Homo sapiens thông qua các cuộc hôn phối dị chủng. Số "con cháu lai" này thực ra rất đông đúc.
Công bố trên tạp chí khoa học Genome Biology and Evolution, nhóm tác giả chỉ ra một "dấu ấn" thủ vị chưa từng được biết đến trước đây: Thói quen thích dậy sớm.
Theo Ancient Origins, các tác giả đã xác định được một tập hợp 246 gene có liên quan đến đồng hồ sinh học, sau đó lọc ra hàng chục gene liên quan đến sự điều chỉnh đồng hồ sinh học này đã được đưa vào cộng đồng Homo sapiens thông qua hôn nhân dị chủng.
Điều này đã xảy ra ở châu Âu và châu Á, nơi nhiều cộng đồng tổ tiên chúng ta và các vị tổ tiên khác loài sinh sống gần gũi, đôi khi trộn lẫn nhau.
Đối chiếu với bộ dữ liệu hàng trăm ngàn người hiện đại từ Ngân hàng sinh học Biobank của Anh, các gene xâm nhập từ người khác loài càng nổi bật. Đáng chú ý, các biến thể ngoại lai này liên tục làm tăng xu hướng thích dậy sớm.
Theo tiến sĩ Tony Capra từ UCSF, các biến thể này từng giúp các cộng đồng Neanderthals - Denisovans tận dụng được thời gian ánh sáng trong ngày ngắn ngủi vào mùa đông.
Vì vậy, các gene này thường mang lại lợi ích lớn nhất cho người hiện đại sống ở các vĩ độ cao ngày nay.
Ngoài ra, phát hiện mới này cung cấp thêm một mảnh ghép về di sản mà người khác loài đã để lại trong thế giới loài người hiện đại. Trước các biến thể này, nhiều yếu tố di truyền khác liên quan đến bệnh tật đã được khám phá, đem lại dữ liệu quý giá cho y học.
Theo các nghiên cứu di truyền quy mô lớn, người gốc châu Âu và châu Á ngày nay có khoảng 2% bộ gene là thừa hưởng từ vị tổ tiên khác loài Neanderthals, trong khi gene Denisovans phổ biến hơn với các quốc gia vào đảo quốc châu Á khu vực Thái Bình Dương.
Đơn cử, người dân Papua New Guinea có tới 5% bộ gene thừa hưởng từ tổ tiên Denisovans.
- Nhiều người châu Á mang "dấu ấn may mắn" vì tổ tiên hôn phối khác loài
- Phát hiện dấu vết loài người khác sống giữa "mùa đông núi lửa"
- Con người đã ăn sạch họ hàng Neanderthal?