Thiên tài vật lý 11 tuổi và khát vọng biến con người thành bất tử
11 tuổi đã tốt nghiệp Đại học, cậu bé Laurent Simons bày tỏ mục tiêu đưa con người đến ngưỡng cửa của sự bất tử.
Trường sinh bất tử, cuộc sống bất tử, cuộc sống vĩnh cửu, bất tử, hay trường sinh bất lão... là các thuật ngữ chỉ sự sống tồn tại đời đời, mãi mãi, vĩnh cửu bằng các hình thức can thiệp của y sinh học vào cơ thể động vật, thực vật và con người.
Đây cũng được xem là cảnh giới cao nhất mà con người chưa thể đạt tới, và luôn là đề tài khoa học thu hút nhiều nhà nghiên cứu, với nỗ lực đưa loài người chiến thắng tuổi già và cái chết.
Mới đây, một thiên tài "nhí" đến từ Bỉ đã bày tỏ khát vọng dùng kiến thức của mình để tìm kiếm khả năng sống bất tử bằng cách biến con người thành cyborg - một dạng sống nửa người nửa máy.
"Mục tiêu của cháu là thay đổi càng nhiều bộ phận sinh học trên cơ thể người bằng bộ phận máy càng tốt". Laurent Simons, cậu bé 11 tuổi cho biết.
Laurent Simons.
Khác với những bạn bè đồng trang lứa còn đang mải mê chơi xếp hình, Laurent Simons xác định rõ mục tiêu, và đang bắt đầu bằng ngành học vật lý lượng tử. Trình độ học vấn và quyết tâm của cậu bé mới chỉ 11 tuổi đã khiến nhiều người kinh ngạc.
Được biết, Simons cũng vừa tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Antwerp chuyên ngành vật lý với số điểm cao ngất ngưởng 85/100. Điều đáng nói là cậu bé chỉ mất 1 năm để hoàn thành chương trình so với thời gian 3 năm thông thường.
Ngay trong năm nay, Simons đã bắt đầu học một số chương trong chương trình đào tạo thạc sĩ. Theo dự kiến tới cuối năm, cậu sẽ bắt đầu chương trình chính khóa để lấy bằng thạc sĩ.
"Có hai điều quan trọng trong một nghiên cứu như vậy: Đó là thu nhận kiến thức và áp dụng kiến thức đó", Simons trả lời trong một phỏng vấn trên truyền hình. "Để đạt được mục tiêu thứ hai, cháu muốn làm việc với những giáo sư giỏi nhất trên thế giới, nhìn vào bên trong bộ não của họ và tìm hiểu cách họ suy nghĩ".
- Cậu bé 9 tuổi lập kỉ lục là người nhỏ tuổi nhất thế giới tốt nghiệp đại học
- Khoa học lý giải vì sao ai rồi cũng chết
- Vì sao vũ trụ có màu đen?