Khoa học lý giải vì sao ai rồi cũng chết
Các nhà khoa học tuyên bố mọi loài đều có tốc độ già hóa gần như cố định và không ai có thể tránh được cái chết.
Lão hóa là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tử vong. (ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK)
Nghiên cứu được dẫn đầu bởi Đại học Southern Denmark (Đan Mạch) và Đại học Duke (Mỹ), bao gồm các chuyên gia thuộc 42 tổ chức đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã công bố lý thuyết mang tên “tỷ lệ bất biến của lão hóa”, trong đó tuyên bố rằng mọi loài đều có tốc độ già hóa gần như cố định và không ai có thể đảo ngược quá trình lão hoá, theo chuyên trang ScienceDaily.
Phó giáo sư Fernando Colchero (Đại học Southern Denmark), đồng trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Cái chết ở con người là điều không thể tránh khỏi”. Để làm sáng tỏ nhận định trên, nhóm chuyên gia đã phân tích, so sánh một lượng thông tin khổng lồ về các hình thái sinh - tử trên 9 quần thể người, cùng với 30 quần thể linh trưởng khác có quan hệ gần gũi với loài người, bao gồm khỉ đột, tinh tinh, khỉ đầu chó,...
“Phát hiện của chúng tôi đã củng cố nhận định rằng cho dù tuổi thọ trung bình đã tăng đáng kể ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng điều này không có nghĩa là tốc độ lão hóa đang được làm chậm và con người trì hoãn được cái chết. Lý do chính là chúng ta đã giảm thành công tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên”, tiến sĩ Fernando Colchero nói.
Thành viên khác của nhóm nghiên cứu, tiến sĩ José Manuel Aburto thuộc Đại học Oxford (Anh), giải thích rõ trong suốt lịch sử, tuổi thọ trung bình bị thấp là do có nhiều người chết trẻ. Khi chất lượng cuộc sống được cải thiện, tỷ lệ chết trẻ giảm xuống, nên tuổi thọ trung bình tăng lên là tất yếu.
“Ngày càng có nhiều người sống thọ hơn. Tuy nhiên, con đường dẫn đến tuổi già và cái chết vẫn không thay đổi”, tiến sĩ Aburto bổ sung.