Thót tim với nghi lễ chào đời của ngỗng trời sơ sinh
Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ sau khi ấp nở, một con ngỗng trời Barnacle sơ sinh sẽ phải thực hiện một cú nhảy phi thường, hơn 120 mét từ tổ của nó trên vách đá dựng đứng xuống mặt đất phía dưới.
- Ngỗng trời có thể bay trong điều kiện nghèo oxy
- Ngỗng trời bay ngửa
Nghi lễ chào đời "thách thức thần chết" của ngỗng trời sơ sinh
Cú nhào lộn "thách thức thần chết" của chim non là một nghi lễ "chào đời" kỳ lạ của loài ngỗng trời Barnacle, sinh trưởng tự nhiên ở phía đông đảo Greenland.
Ngỗng trời Barnacle thường làm tổ trên các vách đá, cách mặt đất hàng chục mét để tránh bị các kẻ thù ăn thịt, chẳng hạn như cáo Bắc cực, dòm ngó. Loài chim này chỉ ăn cỏ và do bố mẹ không kiếm thức ăn nuôi con, nên cách duy nhất để các chú ngỗng trời non sinh tồn là tự mình nhảy xuống bãi cỏ phía dưới.
Các con ngỗng bố mẹ sẽ cất tiếng kêu khuyến khích những đứa con sơ sinh của chúng mạo hiểm vượt qua một trong những thử thách sinh tồn khắc nghiệt nhất trong thế giới tự nhiên. Do không có đôi cánh đủ cường tráng để bay xuống dưới vách núi, cơ hội sống sót duy nhất của các con ngỗng trời mới nở là lao xuống như nhảy dù.
Cách các con ngỗng sơ sinh chạm đất sẽ quyết định chúng sống hay chết. Nếu may mắn bật nảy bằng phần bụng có lông tơ mềm mịn khi rơi xuống, các con chim non này nhiều khả năng sẽ sống sót. Chúng sẽ đoàn tụ cùng bố mẹ ở một sườn núi thấp ở phía dưới, sau đó cùng chạy trốn những kẻ thù ăn thịt háu đói.