Thủ phạm tạo ra hàng loạt hình bát giác dưới đáy biển
Những hình bát giác với đường kính 4 - 47 cm dưới đáy biển sâu nhiều khả năng là "tác phẩm" của bạch tuộc.
Những họa tiết hình bát giác dưới đáy biển. (Ảnh: Alexey V. Golikov)
Nghiên cứu mới của chuyên gia Alexey V. Golikov tại Trung tâm Nghiên cứu Đại dương Helmholtz Kiel, Đức, cùng các đồng nghiệp giúp giải mã những hình bát giác bí ẩn in dưới đáy biển tại eo biển Fram giữa Greenland và Svalbard, IFL Science hôm 12/7 đưa tin. Một số hình bát giác rất nhỏ, nhưng số khác lại lớn hơn quả bóng rổ. Nhờ các phương tiện vận hành từ xa (ROV), nhóm nghiên cứu phát hiện chúng có thể là dấu vết của bạch tuộc Dumbo. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Proceedings Of The Royal Society B.
Giống như khí quyển Trái đất, có thể chia đại dương thành nhiều tầng. Ở độ sâu đáng kinh ngạc 1.000 - 4.000m, tầng bathypelagic là một trong những quần xã sinh vật lớn nhất và ít được khám phá nhất hành tinh. Khu vực này cũng có những sinh vật lớn và khó nghiên cứu nhất. Nguyên nhân là khác với những sinh vật nhỏ, không thể bắt và mang chúng lên nghiên cứu mà không làm tổn hại chúng một cách nghiêm trọng, đến mức trở nên khó nhận dạng. Động vật biển sâu vẫn chứa đựng nhiều bí ẩn và với những động vật thân mềm như nhuyễn thể chân đầu, các chuyên gia phải nhờ tới các quan sát tình cờ từ ROV để nghiên cứu chúng.
Các quan sát về bạch tuộc biển sâu ở vùng biển Bắc Cực. (Video: IFL Science)
Nhóm bạch tuộc Cirrata phân bố ở mọi đại dương trên Trái đất, đôi khi được gọi là "bạch tuộc Dumbo" vì cặp vây trông giống đôi tai lớn của nhân vật hoạt hình voi Dumbo. Con mồi của chúng được cho là chủ yếu gồm giun và động vật giáp xác.
Các cuộc khảo sát biển sâu mới bằng ROV ở vùng biển Bắc Cực cho thấy một lượng lớn bạch tuộc Cirroteuthis muelleri (thuộc nhóm Cirrata) lang thang trong cột nước ở độ cao 500 - 2.600 m so với đáy biển. Camera cũng hé lộ, chúng sử dụng chiến lược kiếm ăn thường thấy ở các loài cá mềm biển sâu và hải sâm hơn. Chúng tạo ra những hình bát giác kỳ lạ dưới đáy biển trong lúc kiếm ăn.
Trong cuộc khảo sát, các nhà khoa học phát hiện 106 hình bát giác dưới đáy biển ở 92 trong số 5.100 hình ảnh thu thập được. "Những họa tiết này thường chứa vết lõm từ cánh tay của bạch tuộc hằn xuống đáy biển. Chúng có đường kính khác nhau, từ 4 đến 47cm, nhưng đa số gần với đường kính trung bình là 22cm, phù hợp với kích thước của bạch tuộc", nhóm nghiên cứu viết.
- Khám phá bí mật về bạch tuộc - Loài "quái vật" biển cả
- Vì sao bạch tuộc tự ăn thịt chính mình sau khi sinh sản?
- Xác cá voi chìm 14 năm biến thành "ốc đảo" sự sống