Thủy triều nhuộm đỏ bờ biển Quảng Đông
Thủy triều đỏ thường xuyên xuất hiện ở vùng biển tỉnh Quảng Đông, đe dọa sinh thái biển và ngành nuôi trồng thủy sản ở đây.
>>> Thủy triều đỏ khiến các bãi biển Australia đóng cửa
Một con chim đứng trên mỏm đá khi thủy triều đỏ xuất hiện hôm 10/1 ở thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Thủy triều đỏ lần đầu xuất hiện ở tỉnh Quảng Đông năm 1998, cho đến nay, trung bình một năm xuất hiện 10 lần.
Hiện tượng thủy triều đỏ là một dạng tảo nở hoa, sinh sôi và tích lũy quá mức ở một vùng biển. Tùy loài tảo mà nước biển có thể mang màu đỏ, xanh lục, vàng hoặc nâu.
Thủy triều đỏ mang độc tố, cản trở hô hấp và làm chết hàng loạt động vật biển như tôm, cá, sò..., gây nhiều thiệt hại cho ngành nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Quảng Đông.
Theo chính quyền tỉnh Quảng Đông, ô nhiễm nước biển là nguyên nhân chính dẫn đến bùng phát thủy triều đỏ.
Toàn tỉnh có 28 cửa sông đổ ra biển, nhiều nhà máy, khu công nghiệp, nước thải nông nghiệp chưa qua xử lý bị đổ thẳng ra biển gây ô nhiễm.
Ngoài ra, số lượng các trang trại nuôi trồng thủy sản trên biển ngày càng tăng cũng dẫn tới thay đổi môi trường sinh thái biển, gia tăng nguy cơ bùng phát thủy triều đỏ, ông Tạ, giáo sư ngành Thủy sản, Đại học Hàng Hải Quảng Đông cho biết.
Để cải thiện môi trường sinh thái biển, ông Tạ cho biết: "các vùng ven biển nên giảm số lượng trang trại nuôi trồng thủy sản, tăng số lượng trang trại nuôi trồng rong biển, tảo bẹ", đồng thời "nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển".