Tiến gần hơn đến trí thông minh nhân tạo
Các nhà khoa học đang tiến gần hơn đến giấc mơ tạo ra những hệ thống máy tính hoạt động như bộ não con người.
Các chuyên gia thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ), đã thiết kế một con chip máy tính bắt chước cách thức các nơ ron (tế bào thần kinh) của não phản ứng với thông tin mới, theo BBC. Những con chip như thế có thể cho phép các bộ phận cơ thể nhân tạo giao tiếp với não. Chúng cũng có thể mở ra khả năng chế tạo những thiết bị thông minh nhân tạo trong một tương lai không xa.
Bộ não nhân tạo sẽ sớm trở thành hiện thực
Có khoảng 100 tỉ nơ ron trong não. Mỗi nơ ron hình thành các khớp thần kinh, kết nối giữa chúng cho phép thông tin lưu chuyển. Quy trình này được gọi là cơ chế thần kinh mềm dẻo (plasticity) và được chứng minh có khả năng củng cố các chức năng như học hỏi, ghi nhớ.
Nhà khoa học Chi Sang Poon và các cộng sự đã chế tạo được con chip có thể mô phỏng hoạt động của một khớp thần kinh não đơn lẻ, được giới chuyên môn đánh giá cao. Các nhà nghiên cứu dự định sử dụng con chip mới để xây dựng các hệ thống có thể mô phỏng những chức năng của nơ ron, chẳng hạn như xử lý thị giác. Những hệ thống như thế có thể nhanh hơn nhiều so với các máy tính vốn cần nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày, để mô phỏng một mạch não. Họ tin tưởng con chip cuối cùng có thể chứng minh khả năng hoạt động nhanh và hiệu quả hơn cả quá trình sinh học.