Tiện ích mở rộng của Chrome có thể phát hiện ảnh fake chính xác tới 99,29%

Chrome Extension (tiện ích mở rộng dành cho trình duyệt Chrome) có thể xác định ảnh giả trên các profile (hồ sơ người dùng) với độ chính xác lên đến 99,29%.

Theo Petapixel, V7 Labs đã tạo ra một phần mềm mới dựa trên trí thông minh nhân tạo (AI) hoạt động như một tiện ích mở rộng của Google Chrome. Nó có khả năng phát hiện ra ảnh profile được tạo ra bằng phương pháp nhân tạo – giống như ảnh mà các bạn nhìn thấy ở trên - với độ chính xác được tuyên bố là 99,28%.


Tiện ích này có khả năng phát hiện ra ảnh profile được tạo ra bằng phương pháp nhân tạo.

V7 Labs là một công ty phần mềm chuyên thiết kế các sản phẩm để tự động hóa các tác vụ trực quan. Công ty nói rằng hiện nay con người dựa rất nhiều vào hình ảnh để đưa ra một quyết định nào đó (ví dụ kết bạn với 1 người lạ trên mạng xã hội sau khi nhìn thấy ảnh trong profile của họ). Và họ đang nỗ lực hướng tới việc làm cho công nghệ ‘học sâu’ (deep learning) trở nên mạnh mẽ hơn. Khi đó, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể triển khai công nghệ AI hiện đại để nhận dạng hình ảnh từ một nền tảng duy nhất.

Phát hiện ảnh giả mạo trên profile

Alberto Rizzoli, một trong những người sáng lập V7 Labs, mô tả phần mềm mới được thiết kế để giúp hạn chế thông tin sai lệch trên môi trường mạng. Anh đã trình diễn tính năng này trong một video trên nền tảng Loom.

Rizzoli nói: “Ngày nay có rất nhiều nội dung gây hiểu lầm trên mạng xã hội và nhiều người chia sẻ những nội dung này sử dụng hồ sơ (profille) giả mạo. Chúng tôi đã tạo một tiện ích mở rộng của Chrome có thể phát hiện xem ảnh hồ sơ là người thật hay chân dung do AI tạo”.

Anh cũng chỉ ra cách tiện ích mở rộng này hoạt độngbằng cách kiểm tra ảnh hồ sơ của một người đã thêm anh ấy trên LinkedIn gần đây. Chỉ bằng một cú nhấp chuột, tiện ích mở rộng đã có thể nhanh chóng xác định rằng cô ấy là người giả mạo. Trong ví dụ cụ thể đó, có một số dấu hiệu cho thấy bức ảnh không có thật, chẳng hạn như một chiếc bông tai được đặt lộn xộn và đồng tử trông kỳ lạ. Tuy nhiên, những điều này chỉ thực sự được nhận thấy khi kiểm tra kỹ và profile giả mạo vẫn đánh lừa được nhiều người dùng internet.

Rizzoli tiếp tục một ví dụ thứ 2 với độ chính xác trong nhận dạng của tiện ích mở rộng gần 100%.

Anh ấy giải thích rằng nhiều bức ảnh trong số này được tạo trên trang web This Person doesn’t Exist. Website này sử dụng bộ tạo khuôn mặt AI được cung cấp bởi NVIDIA StyleGAN, một mạng nơ-ron được phát triển vào năm 2018. Trang web này được tạo ra bởi một kỹ sư phần mềm từ San Francisco và rất đơn giản để sử dụng. Khi tải trang web, nó chỉ hiển thị một khuôn mặt mới do AI tạo. Mỗi khi trang được làm mới, một khuôn mặt mới sẽ xuất hiện (những khuôn mặt này được AI tạo ra từ một vectơ 512 chiều).

Chống lại thông tin sai lệch nguy hiểm

Một vài ví dụ đầu tiên của Rizzoli có vẻ tương đối vô hại, nhưng anh ấy nói rằng phần mềm của anh ấy có thể chống lại tin tức giả mạo và thông tin sai lệch tốt hơn.

Anh cho biết: “Đó là thứ đang phát triển khá nhiều, đặc biệt trên Amazon, nơi có nhiều tác giả bán sách. Kẻ xấu chỉ cần vài thao tác để tạo ra một hồ sơ giả mạo, rồi tiếp thị những cuốn sách giả với giá rẻ hơn sách thật”.

Tất nhiên, tình trạng giả mạo hồ sơ người khác cũng xảy ra trên mạng xã hội. Rizzoli chỉ ra ví dụ về một người dùng Twitter có khuôn mặt do AI tạo ra đang lan truyền thông tin sai lệch về cuộc chiến ở Ukraine. Những thông tin này có ảnh hưởng rất ‘tiêu cực’ đến đời sống kinh tế, xã hội.

Anh nói với pitaxel: “Tiện ích mở rộng này của Chrome sẽ giúp chính quyền (và những người bình thường) phát hiện và báo cáo các hồ sơ lan truyền tin tức giả mạo. Những profile này tạo ra hỗn loạn thông tin, đặc biệt là với những vấn đề như cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine”.

Hiện tại, tiện ích này chỉ hoạt động trên các hình ảnh do GaN tạo. Vì vậy, nó không thể phát hiện các bức ảnh chất lượng cao trong video (ít nhất là cho tới thời điểm này).

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất