"Tiên tri" khủng khiếp của nhà khoa học về "lò nung" nóng rẫy trên Trái đất: Địa ngục ngay trước mắt!
Sức mạnh của thiên nhiên vượt xa bản năng hủy diệt của con người...
Trong bối cảnh của một thế giới nóng lên mạnh mẽ thời công nghiệp hiện đại, con người đối mặt 2 cuộc chiến: Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và cuộc chiến kêu gọi con người chống biến đổi khí hậu.
Thế giới có gần 8 tỷ người, chỉ số ít trong số đó quan tâm và hành động thực sự vì môi trường Trái đất. Không nhiều người chịu để ý rằng, nóng lên toàn cầu sản sinh ra các hệ quả có sức ảnh hưởng quy mô toàn cầu: Không một quốc gia, không một vùng đất hay cá nhân nào ngoại lệ. Đổi lại, những người hành động vì Trái đất chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đâu là tương lai khủng khiếp của Trái đất (đọc mục cuối) và đâu là hiện thực Trái đất đang phải hứng chịu từng giờ, từng ngày?
Trước hết, đây là hiện thực Trái đất đối mặt.
1. Sự mất mát khốn cùng
Theo nghiên cứu của NASA, 2010-2019 là thập kỷ nóng nhất lịch sử từng được ghi nhận. Mặt trái của sự phát triển đang khiến các tảng băng từng vĩnh cửu trên Trái đất tổn thương một cách "đáng kinh ngạc".
Đó cũng là cụm từ nhóm các nhà khoa học quốc tế sử dụng để miêu tả cho công trình theo dõi băng trên hành tinh.
Cụ thể, các nhà khoa học từ các trường đại học Anh, Mỹ đã phân tích các cuộc khảo sát vệ tinh về sông băng, núi và tảng băng từ năm 1994 đến 2017 để xác định tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Họ phát hiện ra rằng: Chỉ trong 23 năm qua, hành tinh Trái đất đã vĩnh viễn mất đi 28 nghìn tỷ tấn băng.
Hậu quả có thể thấy rõ là gì? Các sông băng và tảng băng tan chảy có thể khiến mực nước biển tăng đột ngột, có thể đạt tới 1 mét vào cuối thế kỷ này.
Các sông băng và tảng băng tan chảy có thể khiến mực nước biển tăng đột ngột. (Ảnh minh họa: Netflix).
Sự mất mát nghiêm trọng của băng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác, bao gồm sự gián đoạn lớn đối với sức khỏe sinh học của các vùng nước Bắc Cực và Nam Cực, đồng thời làm giảm khả năng phản xạ bức xạ Mặt trời trở lại không gian của Trái đất.
"Chứng kiến thảm cảnh này khiến tất cả chúng tôi đều choáng váng" - Nhóm tác giả nói.
"Không nghi ngờ gì nữa, băng Trái đất đang biến mất một cách báo động là hậu quả trực tiếp của sự nóng lên toàn cầu. Băng tan, không chỉ khiến mực nước biển dâng, nó còn khiến Trái đất thêm nóng hơn nữa vì mất đi "điều hòa tự nhiên". Đó là một vòng tròn luẩn quẩn".
Theo các nhà khoa học, đây là lần đầu tiên họ nhìn thấy tất cả băng ở Nam Cực, Bắc Cực dần biến mất khỏi hành tinh. Trong khi đó, tuyết rơi mỗi năm cho các con sông băng không theo kịp nổi tốc độ băng tan. Có nghĩa là băng ở Greenland sẽ tiếp tục mất băng ngay cả khi nhiệt độ toàn cầu ngừng tăng. Băng Greenland là khối băng lớn thứ hai thế giới.
"Từng centimet nước biển dâng sẽ khiến khoảng một triệu người sống ở các vùng trũng hoặc ven biển buộc phải di dời vĩnh viễn đến nơi khác" - Giáo sư Andy Shepherd, Giám đốc Trung tâm Quan sát và Mô hình hóa Vùng cực thuộc ĐH Leeds (Anh) nói trên The Guardian.
Các nhà khoa học đã xác nhận rằng những phát hiện này phù hợp với những dự đoán về trường hợp xấu nhất do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc đưa ra.
2. Đại dương "tức giận"
Nước biển dâng cao chưa phải là vấn đề lớn nhất của đại dương. Đại dương nóng lên cũng là đại họa trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Lại một lần nữa, thủ phạm mang tên 'con người' lại được xướng lên.
Trong 6 thập kỷ qua, những thay đổi do con người gây ra về nhiệt độ và độ mặn đã lan rộng đến 80% đại dương trên thế giới.
Khó có dữ liệu thực tế về đại dương sâu, nhưng một ước tính mới, dựa trên các phép đo gần đây và gần chục mô hình khí hậu, cho thấy biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến khoảng một nửa (20 đến 55%) Đại Tây Dương, các lưu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Nhà khoa học khí hậu Yona Silvy từ Đại học Sorbonne ở Pháp giải thích: Điều này ảnh hưởng đến sự lưu thông nước đại dương toàn cầu, mực nước biển dâng và gây ra mối đe dọa cho các quần thể sinh vật và hệ sinh thái của con người.
Hầu hết thời gian, lượng nhiệt và muối từ bề mặt đại dương được vận chuyển tương đối chậm vào sâu bên trong lòng đại dương, có nghĩa là nhiều phần sâu nhất đại dương ít bị tác động bởi con người nhất. Tuy nhiên, một số khu vực sâu hơn lưu thông nhanh hơn và do đó phản ứng nhanh hơn với lượng khí thải của chúng ta.
Ví dụ, trong mô hình mới, Nam Đại Dương đã trải qua những thay đổi do con người gây ra khá nhanh chóng, xuất hiện ngay từ những năm 1980. Trong khi đó, ở Bắc Bán cầu, các đại dương mất nhiều thời gian hơn để phản hồi, với hầu hết các thay đổi được tính toán sẽ xuất hiện vào khoảng giữa năm 2010 và 2040.
Cùng với nhau, vào năm 2020, mô hình cho thấy khoảng 20% đến 55% đại dương trên thế giới đã bị thay đổi do biến đổi khí hậu do con người gây ra. Vào giữa thế kỷ này, những thay đổi này có thể chiếm từ 50 đến 60% các đại dương trên thế giới và vào năm 2080 là 55 đến 80%.
NASA cho biết, nhiệt độ trên 26 độ C ở bề mặt đại dương là nguyên nhân chính dẫn đến sự hình thành bão. Và việc đại dương nóng lên không chỉ làm xáo trộn môi trường sống của sinh vật biển mà còn gây ra những trận cuồng phong đáng sợ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến con người.
Tiếp theo là "lời tiên tri" đáng sợ...
3. Cảnh báo sau cùng
National Geographic cho biết, các nhà khoa học hành tinh từ lâu đã dự đoán rằng khi Mặt trời già đi và sáng hơn, bề mặt Trái đất cuối cùng sẽ nóng lên đến mức các đại dương bắt đầu sôi sùng sục.
Hơi nước, một loại khí nhà kính mạnh, sẽ tràn ồ ạt lên bầu khí quyển, gây ra hiệu ứng nhà kính hoành hành mà trong một tỷ năm tới, có thể biến thế giới của chúng ta thành một thứ không khác gì người hàng xóm của chúng ta, sao Kim - "Nữ thần hủy diệt trong Hệ Mặt trời". Ở đó, bên dưới bầu khí quyển dày, độc hại và toàn lưu huỳnh, nhiệt độ bề mặt gần 500 độ C.
Sao Kim được mệnh danh là "hành tinh địa ngục" của Hệ Mặt trời. (Ảnh minh họa: Internet).
Nhà khoa học hành tinh Paul Byrne thuộc trường Đại học North Carolina (Mỹ) cho biết: "Cần phải nói thêm rằng, hàng tỷ năm trước, hành tinh láng giềng của chúng ta (sao Kim) có thể có khí hậu và đại dương dễ chịu hơn rất nhiều trước khi trở thành hành tinh khắc nghiệt nhất Thái Dương Hệ".
Sao Kim có thể đã không bị hủy hoại bởi Mặt trời. Nghiên cứu mô hình gần đây cho thấy rằng thủ phạm có thể là một loạt các trận siêu núi lửa phát nổ và "việc giải phóng CO2, lưu huỳnh ồ ạt đã khiến sao Kim trở nên độc hại, chết chóc đến vậy.
Nhưng cả hai kịch bản - cái chết do nhiệt của hành tinh do Mặt trời hoặc do núi lửa - là cách các nhà khoa học đang cố truyền tải cho con người về các thảm họa vượt xa tầm kiểm soát của chúng ta, biến khí hậu tương lai của Trái đất rơi vào một "lò nung" không thể tưởng tượng.
"Liệu sao Kim có chính xác nóng 475 độ C hay không, tôi không biết", Paul Byrne nói, "Nhưng nếu Trái đất trải qua một quá trình chuyển đổi giống như sao Kim, nó sẽ thực sự, rất rất nóng".
Ngay cả khi hành tinh xanh của chúng ta có thể thoát khỏi số phận giống sao Kim, thì Trái đất cũng không tránh khỏi việc bị "thổi bay" trong khoảng 5 tỷ năm nữa. Vào thời điểm đó, Mặt trời sẽ nở ra thành một ngôi sao khổng lồ màu đỏ, bao phủ Trái đất trong một ngọn lửa nóng hàng nghìn độ C.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change.
- Khám phá những phép thuật kỳ bí của Trung Hoa cổ: Kỳ bí phép Vu Na của người Miêu (Phần 2)
- Bí ẩn ly kỳ về cái chết của hoàng đế Ung Chính - vị vua nhiều bí mật nhất lịch sử Trung Quốc
- "Đá cầu vồng" rơi xuống Trái đất đầy vật liệu sự sống ngoài hành tinh