Tiểu hành tinh đã hủy diệt loài khủng long có nguồn gốc từ bên ngoài sao Mộc
Khoảng 66 triệu năm trước, một tiểu hành tinh khổng lồ, có đường kính 10-15 km, đã va vào Bán đảo Yucatan ở Mexico, dẫn đến thảm họa toàn cầu, xóa sổ khoảng 75% các loài trên thế giới và chấm dứt kỷ nguyên của khủng long.
Vụ va chạm đã tạo ra hố Chicxulub, rộng khoảng 180 km và sâu 20km. Đây là sự kiện quan trọng trong lịch sử Trái đất, đánh dấu sự kết thúc của Kỷ Phấn Trắng.
Tiểu hành tinh này đến từ Hệ Mặt trời bên ngoài sao Mộc. (Ảnh minh họa: AFP)
Các nghiên cứu gần đây đã cung cấp những hiểu biết mới về bản chất của vật thể va chạm. Theo đó, tiểu hành tinh gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt này được xác định là một tiểu hành tinh carbon (loại C), có nguồn gốc từ Hệ Mặt trời bên ngoài Sao Mộc.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science ngày 15/8 cho biết, phát hiện này được xác định dựa trên phân tích thành phần của các mảnh vỡ từ vụ va chạm.
Lớp đất sét lắng đọng trên bề mặt giàu các loại kim loại như iridi, rutheni, osmi, rhodi, bạch kim và paladi - đều là những kim loại hiếm trên Trái đất nhưng phổ biến trong các tiểu hành tinh. V
Với kết quả này, các nhà nghiên cứu đã có thể loại trừ giả thuyết khác về vật thể va chạm có thể là sao chổi, hay do hoạt động của núi lửa.
Theo nhà địa hóa học Mario Fischer-Godde thuộc Đại học Cologne ở Đức, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích đặc biệt kỹ về thành phần đồng vị rutheni trong lớp đất sét lắng đọng trên bề mặt Trái đất.
Các nhà khoa học giải thích rằng đồng vị là các nguyên tử của cùng một nguyên tố có khối lượng khác nhau do số lượng các hạt neutron khác nhau.
Theo đó, rutheni có 7 đồng vị, trong đó có 3 đồng vị đặc biệt quan trọng, với tỷ lệ khớp với các tiểu hành tinh carbon trước đây. Nhà khoa học Steven Goderis từ Đại học Vrije Universiteit Brussel (Bỉ) cho biết, rutheni đặc biệt hữu ích trong bối cảnh này vì dấu hiệu đồng vị trong lớp đất sét hầu như hoàn toàn được tạo thành từ rutheni trong vật va chạm, chứ không phải từ trầm tích nền.
Các tiểu hành tinh loại C là loại tiểu hành tinh phổ biến nhất và lâu đời nhất trong Hệ Mặt trời, chủ yếu được hình thành từ carbon và các chất dễ bay hơi khác.
Nghiên cứu cho thấy tiểu hành tinh này có khả năng hình thành ở bên ngoài Hệ Mặt trời, di chuyển vào vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc, và cuối cùng hướng về Trái đất.
Các nhà khoa học đánh giá đây là vụ va chạm hiếm hoi, do các tác động của tiểu hành tinh khác trong 470 triệu năm qua chủ yếu liên quan đến tiểu hành tinh loại S, được tìm thấy gần Mặt trời hơn.
Tác động của tiểu hành tinh C đã tạo tiền đề cho sự trỗi dậy của động vật có vú và cuối cùng là sự phát triển của con người, đồng thời nhấn mạnh cách các sự kiện vũ trụ quan trọng có thể thay đổi đáng kể quá trình các loài sinh sống trên Trái đất.
- Nghiên cứu mới cho biết: Không phải thiên thạch, đây mới là thứ khủng khiếp đã tiêu diệt khủng long
- Top 6 tiểu hành tinh nguy hiểm nhất đối với Trái đất được NASA theo dõi chặt chẽ
- Giải mã "thế lực" đã tuyệt diệt loài khủng long