Tìm thấy chất độc trong sâu bướm có tác dụng y học
Các nhà nghiên cứu phát hiện nọc độc của một loài sâu bướm có thể dùng làm thuốc chữa bệnh cho người và kiểm soát dịch bệnh ở động vật.
Bướm đêm Doratifera vulnerans có nguồn gốc ở vùng đông nam bang Queensland của Australia, được tìm thấy phổ biến nhất trong Công viên rừng Toohey. Ấu trùng của chúng (sâu bướm) có vẻ ngoài vô cùng ấn tượng và điều đó đã thu hút sự chú ý của Tiến sĩ Andrew Walker từ Viện Khoa học Sinh học Phân tử (IMB) vào năm 2017.
Ấu trùng bướm đêm Doratifera vulnerans. (Ảnh: Project Noah).
"Tôi tình cờ tìm thấy một mẫu vật Doratifera vulnerans trong lúc thu thập những con bọ sát thủ gần thành phố Toowoomba ở miền nam bang Queensland và lập tức bị mê hoặc bởi đặc điểm sinh học kỳ lạ và nọc độc gây đau đớn của nó", Walker kể lại.
Các nghiên cứu sau đó của Walker cho thấy độc tố của loài sâu bướm này có cấu trúc phân tử tương tự độc tố được tìm thấy ở nhện, kiến và ong bắp cày.
"Chúng tôi nhận thấy nọc độc của Doratifera vulnerans chủ yếu là peptide với sự phức tạp đáng kinh ngạc: chứa tới 151 độc tố dựa trên protein từ 59 họ khác nhau", Walker nhấn mạnh.
Bướm đêm Doratifera vulnerans trưởng thành. (Ảnh: Jungle Dragon).
Nhóm nghiên cứu đã tổng hợp 13 độc tố và sử dụng chúng để chỉ ra con đường tiến hóa độc đáo mà loài sâu bướm này đã đi theo để tạo ra nọc độc gây đau. Việc giải trình tự axit amin của mỗi loại độc tố dựa trên protein cho phép Walker tạo ra các chất độc peptide trong phòng thí nghiệm và kiểm tra chúng theo nhiều cách khác nhau.
Một số peptide đã được kiểm chứng là có hiệu lực rất cao, có khả năng tiêu diệt hiệu quả ký sinh trùng giun tròn ở vật nuôi, cũng như các mầm bệnh gây hại cho con người.
"Nghiên cứu của chúng tôi mở ra một nguồn peptide hoạt tính mới có thể được sử dụng trong y học, công nghệ sinh học và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, chúng ta cần tìm hiểu thêm về tác dụng của từng chất độc trước khi chúng có thể được sử dụng trên người", Walker nói thêm.
Công trình nghiên cứu đã được xuất bản trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia - có sự tham gia của IMB, Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) của Australia, Đại học York của Canada, Đại học Vienna của Áo và Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Mỹ.
- Top 16 thứ độc nhất vô nhị chỉ có thể bắt gặp tại đất nước tỷ dân Ấn Độ
- Thí nghiệm "làm chuột đực có thai" ở Trung Quốc gây phẫn nộ
- Người đàn ông hơn 20 năm làm nên điều kỳ diệu cho sa mạc