Tìm thấy hóa thạch “cá sấu mèo” ở Đông Phi
Một nhóm các nhà cổ sinh vật học đã khai quật được hóa thạch của một con cá sấu tí hon mà hàm răng của nó có những đặc trưng y hệt như loài mèo tại thung lũng Rukwa Rift thuộc Cộng hòa Thống nhất Tanzania, Đông Phi.
Theo tạp chí Guardian (Anh), động vật được đặt tên là Pakasuchus kapilimai, từ “Paka” trong tiếng Swahili - ngôn ngữ chính của Tanzania - có nghĩa là “con mèo” và “suchus” theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “cá sấu”, còn phần sau của tên “kapilimai” để vinh danh nhà nghiên cứu Saidi Kapilimai làm việc tại Đại học Dar es Salaam, Tanzania - người đứng đầu dự án khám phá hóa thạch loài động vật này.
Vách đá sa thạch tại thung lũng Rukwa Rift - nơi hóa thạch cá sấu mèo Pakasuchus kapilimai được khám phá. Ảnh: Eric Roberts, ĐH James Cook (Úc).
Cá sấu mèo sống cách nay 100 triệu năm thuộc kỷ Phấn trắng tại một khu vực đồng bằng cửa sông rộng lớn với thảm thực vật vô cùng phong phú, mà ngày nay khu vực này là châu Phi hạ Sahara - thuật ngữ địa lý được dùng để miêu tả một vùng của lục địa châu Phi nằm ở phía nam Sahara.
Giáo sư giải phẫu học Patrick O’Connor, đồng tác giả nghiên cứu, công tác tại Đại học Ohio, Hoa Kỳ cho biết đầu của cá sấu mèo có thể đặt vừa trong lòng bàn tay, hàm dưới khỏe và có nhiều tấm sừng trên lưng và đuôi nhưng ít hơn so với cá sấu hiện đại, điều này giúp cho cơ thể cá sấu mèo trở nên nhanh nhẹn hơn.
Sự khác biệt giữa răng cá sấu mèo Pakasuchus kapilimai (ảnh trên)
và cá sấu hiện đại. Ảnh: Zina Deretsky/NSF & Beverly Joubert/NG
Đặc tính kỳ lạ nhất của cá sấu mèo là ở hàm răng. Trong khi các răng của cá sấu hiện đại có dạng hình nón, nhọn và sắc để ngoạm và xé con mồi thì răng của cá sấu mèo Pakasuchus kapilimai lại đa dạng bao gồm cả răng nanh, răng tiền hàm và răng hàm; bên cạnh đó, nó còn có xương sống khá uyển chuyển.
Bức tranh phác họa môi trường sống của cá sấu mèo Pakasuchus kapilimai,
nó đang nhảy “đớp” côn trùng. Ảnh: Mark Witton, ĐH Portsmouth (Anh)
Trong bài báo được đăng trên tạp chí Nature, các nhà khoa học cho biết cá sấu mèo Pakasuchus kapilimai thuộc một nhóm cá sấu đã tuyệt chủng được biết với tên gọi là notosuchians, sống vào kỷ Phấn trắng (100-65 triệu năm trước). Những động vật này chiếm giữ những khu vực sinh thái nhất định trong kỷ Phấn trắng khi mà siêu lục địa phía nam địa cầu Gondwana bắt đầu tách ra thành châu Phi và sau này là Ấn Độ, Australia, Madagascar và Nam cực do tại thời điểm này, có ít động vật có vú sinh sống (do hiếm có hóa thạch được phát hiện ngày nay).
Các nhà khoa học tin cá sấu mèo Pakasuchus kapilimai có môi trường sống chủ yếu trên đất liền, thức ăn ưa thích của nó là côn trùng và các động vật khác nhỏ hơn.