Toàn cảnh NASA đưa mẫu đá sao Hỏa trở lại Trái đất
Một trong những chiến dịch tham vọng bậc nhất của loài người từng được thực hiện đó là đưa những mẫu vật chất đầu tiên của sao Hỏa về Trái đất.
Tàu thám hiểm Perseverance hạ cánh trên sao Hỏa với nhiệm vụ thu thập những mẫu vật chất, rồi đưa trở lại Trái đất để phục vụ nghiên cứu. (Ảnh: NASA).
NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đang triển khai kế hoạch cho một trong những chiến dịch không gian tham vọng bậc nhất từng được nhân loại thực hiện. Đó là đưa những mẫu vật chất đầu tiên của sao Hỏa trở lại Trái đất một cách an toàn để nghiên cứu chi tiết.
Được biết, việc có được tập hợp gồm đa dạng các mẫu vật hiện đang được thu thập bởi tàu thám hiểm sao Hỏa Perseverance của NASA có thể giúp các nhà khoa học trả lời cho câu hỏi liệu sự sống cổ đại có từng xuất hiện trên "Hành tinh Đỏ" hay không.
Tuy nhiên, để đưa các mẫu vật sao Hỏa về Trái đất sẽ diễn ra theo nhiều bước. Đoạn video hoạt họa dưới đây do Scitech Daily thực hiện sẽ giúp bạn đọc nắm được những điểm nhấn chính của sứ mệnh.
Toàn cảnh NASA đưa mẫu đá sao Hỏa trở lại Trái đất. (Video: Scitech Daily).
Theo đó, mẫu vật sẽ được trực tiếp thu thập bởi tàu thám hiểm Perseverance. Chặng đầu tiên của sứ mệnh đã được NASA thực hiện thành công vào ngày 18/2/2021, khi tàu Perseverance hạ cánh xuống miệng núi lửa Jezero.
Sở dĩ đưa ra lựa chọn này là bởi miệng núi lửa Jezero từng là một hồ nước cách đây hơn 3,5 tỉ năm và các nhà khoa học tin rằng những dấu tích vi sinh cổ đại có thể vẫn còn lưu lại ở đây.
Việc hạ cánh thực ra là quá trình nguy hiểm nhất trong toàn bộ dự án kéo dài 2 năm của NASA, với tổng trị giá lên tới gần 3 tỉ USD.
Với nhiệm vụ chủ yếu là thăm dò, thu thập các mẫu đá trên sao Hỏa để "mở đường" cho các sứ mệnh trong tương lai, Perseverance sở hữu một loạt công nghệ tân tiến, từ camera độ phân giải cao, cho đến một hệ thống hoàn chỉnh từ mũi khoan, thu thập và lưu trữ các mẫu đất đá.
Hình ảnh một mẫu đất được thu thập bởi tàu Perseverance. (Ảnh: NASA).
Perseverance cũng được trang bị một bộ xử lý máy tính riêng, có thể điều hướng tự động và di chuyển nhanh hơn bất kỳ mẫu rover nào trước đó. Nó cũng có sự trợ giúp đắc lực từ trực thăng sao Hỏa Ingenuity.
Đây là mẫu trực thăng được thiết kế để chứng minh rằng việc khám phá trên không là khả thi trên hành tinh Đỏ. Tính đến nay, trực thăng nặng gần 1,8kg của NASA đã di chuyển được quãng đường 2,67km xung quanh miệng núi lửa Jezero.
Theo NASA, kể từ khi hạ cánh thành công, Perseverance đã thu thập được 10 lõi đá từ những địa điểm khác nhau, và giữ đúng lịch trình để quay về Trái đất vào tháng 9/2024.
- Phát hiện kinh ngạc về đại dương sự sống ngoài hành tinh 4,5 tỉ tuổi
- Đưa con người lên sao Hỏa sinh sống vào năm 2031 có thực sự khả thi?
- Tàu vũ trụ sao Hỏa lập kỷ lục truyền dữ liệu