Tôm hùm đất tự nhân bản xâm chiếm nghĩa trang ở Bỉ

Những con tôm hùm đất đột biến - có khả năng tự nhân bản và được tạo ra trong các chương trình nhân giống thử nghiệm - đã xâm nhập vào một nghĩa trang ở Bỉ.

Hàng trăm con tôm cái có thể đào sâu tới 1m này là mối đe dọa chết người với đa dạng sinh học địa phương, sau khi chúng xâm chiếm nghĩa địa lịch sử ở Antwerp, Bỉ.

“Không thể bắt tất cả chúng lại được. Việc đó giống như cố gắng rút cạn đại dương bằng một cái ống”, ông Kevin Scheers thuộc Viện Nghiên cứu Thiên nhiên và Rừng cây Flemish cho biết.

“Ai đó đã nuôi tôm trong bể cá và sau đó thả chúng trong một con kênh”, ông Scheers nói với Brussels Times.

Loài tôm càng cẩm thạch này có thể di chuyển cả trên cạn và dưới nước vào ban đêm và ăn bất cứ thứ gì trên đường đi. Chúng không có trong tự nhiên và bị Liên minh châu Âu cấm.


Những con tôm hùm đất này không cần con đực để sinh sản. (Ảnh: Alamy).

Những con tôm nước ngọt, dài khoảng 10cm và phàm ăn này được cho là do những người buôn bán vật nuôi ở Đức lai tạo vào những năm 1990.

Chúng tương tự như tôm hùm đất càng xanh được tìm thấy ở Florida, Mỹ. Tuy nhiên, những con tôm ở Bỉ có khả năng trinh sản, tức sinh sản mà không cần con đực và con non giống hệt con mẹ về mặt di truyền.

Đột biến xảy ra cách đây khoảng 25 năm, nghĩa là các quần thể tôm có thể phát triển nhanh chóng chỉ từ một cá thể Procambarus virginalis duy nhất.

EU đã cấm nuôi và thả tôm hùm đất càng xanh vào năm 2014. Tuy nhiên, không thể truy ra chủ sở hữu của những con tôm hiện tại vì tất cả chúng đều giống nhau về mặt di truyền.

Tôm càng xanh đã thích nghi và sinh sản trong các hồ và suối của nghĩa trang Schoonselhof ở Antwerp.

John Rankin Rathbone, nghị sĩ Anh bị giết trong một trận đánh năm 1940, nằm trong số những người nổi tiếng được tưởng niệm tại đây. Đây cũng là nơi chôn cất 1.577 binh lính thuộc khối thịnh vượng chung Anh thiệt mạng trong Thế chiến II.

Luật pháp Bỉ nghiêm cấm việc đầu độc tôm càng, vốn là một phương pháp kiểm soát được sử dụng ở Tây Ban Nha.

Loài tôm này đã được ghi nhận ở các quốc gia bao gồm Áo, Đức, Pháp, Nhật Bản, Madagascar và Israel. Chúng đã có mặt ở bốn châu lục và việc buôn bán vật nuôi được cho là nguyên nhân dẫn đến bùng nổ số lượng tôm.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất