Tổng thống Mỹ công bố cửa sổ vào thế giới 13 tỉ năm trước
Hình ảnh đầy đủ màu sắc và rõ nét đầu tiên từ kính viễn vọng không gian James Webb 9 tỉ USD đã đem đến cho nhân loại cái nhìn chi tiết nhất về vũ trụ sơ khai - hơn 13 tỉ năm trước.
Theo AP, hình ảnh đầu tiên từ kính viễn vọng không gian mới của NASA được Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Giám đốc NASA Bill Nelson công bố hôm 11-7 cho thấy một thế giới tràn ngập các thiên hà và mang đến cái nhìn sâu sắc nhất về vũ trụ từng được ghi hình lại.
Hình ảnh "bình minh vũ trụ" đầu tiên của James Webb - (Ảnh: NASA)
Hình ảnh được công bố tại một sự kiện của Nhà Trắng. Tổng thống Biden đã mô tả: "Đó là ánh sáng được ghi lại lâu đời nhất trong lịch sử vũ trụ từ hơn 13 tỉ - hãy để tôi nói lại - 13 tỉ năm trước. Thật khó mà hiểu được".
Reuters dẫn thêm bình luận của ông Biden: "Đó là một cửa sổ mới trong lịch sử vũ trụ của chúng ta"; "và hôm nay chúng ta sẽ nhìn thấy ánh sáng đầu tiên chiếu qua cửa sổ đó: Ánh sáng từ những thế giới khác, những ngôi sao quay quanh chúng ta. Điều đó thật đáng kinh ngạc đối với tôi".
Tổng giám đốc NASA Bill Nelson cho biết hình ảnh với hàng trăm đốm, vệt, hình xoắn ốc và vòng xoáy màu trắng, vàng, cam và đỏ chỉ mới là "một đốm nhỏ của vũ trụ".
Ông Nelson giải thích thêm rằng cụm thiên hà rõ ràng nhất trong ảnh là SMACS 0723, đã 4,6 tỉ năm tuổi, có tác dụng như một thấu kính hấp dẫn, làm biến dạng không gian và giúp chúng ta quan sát rõ hơn đáng kể ánh sáng của các thiên hà xa hơn phía sau nó.
Còn những điểm sáng mờ nhạt phía sau chính là những thứ có niên đại hơn 13 tỉ năm mà Tổng thống Mỹ nhắc đến.
NASA cũng tiết lộ sẽ công bố thêm 4 hình ảnh ngoạn mục nữa vào ngày 12-7, bao gồm khung cảnh một hành tinh khí khổng lồ bên ngoài Hệ Mặt trời của chúng ta, hai hình ảnh về một tinh vân nơi các ngôi sao sinh ra và chết đi với vẻ đẹp ngoạn mục, cập nhật hình ảnh về 5 thiên hà đang "khiêu vũ".
Kính viễn vọng không gian lớn nhất và mạnh nhất thế giới James Webb đã được phóng lên không gian vào tháng 12 năm ngoái từ Guiana thuộc Pháp ở Nam Mỹ. Nó đã đạt đến điểm quan sát cách Trái đất 1,6 triệu km vào tháng 1-2022.
Sau đó là một quá trình dài để căn chỉnh các tấm gương, làm cho các máy dò hồng ngoại đủ lạnh để vận hành và hiệu chỉnh các thiết bị khoa học, tất cả đều được bảo vệ bằng một tấm che nắng có kích thước bằng một sân tennis giúp kính thiên văn luôn mát mẻ.
Kính thiên văn có nhiệm vụ nhìn vào thế giới xa xôi cách Trái đất trên 13 tỉ năm ánh sáng, nơi bảo tồn những hình ảnh về thời kỳ sơ khai của vũ trụ và phóng to các vật thể vũ trụ gần hơn với tiêu điểm rõ nét hơn.
Jonathan Gardner, nhà khoa học phó trong dự án James Webb giải thích: "Webb có thể nhìn ngược thời gian tới ngay sau vụ nổ Big Bang bằng cách tìm kiếm những thiên hà ở rất xa mà ánh sáng đã mất hàng tỉ năm để đi từ những thiên hà đó tới kính thiên văn của chúng ta.
Điều này đồng nghĩa với việc các hình ảnh xa xôi mà kính viễn vọng thu được là hình ảnh của hơn 13 tỉ năm trước chứ không phải hình ảnh hiện tại".
Hình ảnh đầu tiên đó trông bao xa? Nhà khoa học dự án Klaus Pontoppidan cho biết trong vài ngày tới, các nhà thiên văn học sẽ thực hiện các phép tính phức tạp để tìm ra độ tuổi của các thiên hà đó.
James Webb được coi là người kế nhiệm cho kính viễn vọng không gian Hubble rất thành công nhưng đã già cỗi. Hubble đã nhìn xa đến 13,4 tỉ năm ánh sáng, thậm chí đã tìm thấy dấu hiệu sóng ánh sáng của một thiên hà cực sáng vào năm 2016.
- Loài kiến giúp các nhà khoa học phát hiện hàng nghìn hóa thạch
- Những khu rừng đầu tiên trên Trái đất xuất hiện khi nào?
- Khoa học phát hiện "thủ phạm" khiến nỗi sợ hằn sâu trong tâm trí chúng ta