Top 10 phát hiện khảo cổ rúng động thế giới 2015
Phát hiện căn phòng bí mật trong mộ vua Tutankhamun là một trong số những phát hiện khảo cổ rúng động thế giới năm 2015.
Vào ngày 28/7, các chuyên gia đã xác định được danh tính hài cốt của 4 người đàn ông được tìm thấy tại nhà thờ Tin lành lâu đời nhất trên đất Mỹ có niên đại khoảng hơn 400 năm (1608-1616) đã góp phần gây dựng nên khu định cư Jamestown, thuộc địa đầu tiên của người Anh tại Tân Thế giới. Theo đó, 4 nhân vật đã giúp lãnh đạo khu thuộc địa Jamestown (khu vực ngày nay thuộc tiểu bang Virginia, Mỹ) vượt qua giai đoạn khó khăn sau khi thành lập vào năm 1607 là Reverend Robert Hunt, Gabriel Archer, Ferdinando Wainman và William West. Đây là phát hiện khảo cổ học thế giới nổi bật trong năm 2015.
Trong năm 2015, các chuyên gia có phát hiện khảo cổ học đáng chú ý đó là tìm thấy "con sông" thủy ngân lỏng dưới một kim tự tháp của người Maya ở Teotihuacan. Thủy ngân lỏng trên được tìm thấy trong một căn phòng ở cuối đường hầm từng bị đóng kín gần 1.800 năm. Các chuyên gia suy đoán thủy ngân từng được sử dụng để biểu tượng hóa một con sông hay hồ ở thế giới bên kia.
Thông qua phân tích DNA một bộ xương chiến binh được chôn cất trên dãy núi Altai (Altay) từ 2500 năm trước, các nhà khảo cổ và nhân chủng học có phát hiện chấn động đó là dường như người chuyển giới hiện diện trong xã hội từ 2500 năm trước. Theo đó, bộ xương này mang bộ gene của nam giới nhưng lại được chôn cất một cách trang nghiêm theo các nghi thức dành riêng cho nữ chiến binh.
Các nhà khảo cổ người Anh đã phát hiện ra khu mộ về một người phụ nữ 2.000 năm tuổi được mệnh danh là "Công chúa ngủ trong rừng" với nhiều trang sức có niên đại từ thế kỷ 1 và 2. Theo các chuyên gia, người phụ nữ này vô cùng xinh đẹp, có địa vị cao. Từ những hiện vật được phát hiện, các chuyên gia cho hay mối quan hệ giữa Roma và vương quốc Aksumite ở Ethiopia đã được xây dựng từ lâu.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các công nghệ, thiết bị hiện đại và phát hiện trong mộ vua Tutankhamun có một căn phòng bí mật, nhiều khả năng là nơi yên nghỉ của nữ hoàng Ai Cập Nefertiti.
Vào tháng 5/2015, nhóm nhà nghiên cứu về nhân loại học tại Mỹ đã phát hiện 149 công cụ bằng đá tại Kenya có niên đại cách đây 3,3 triệu năm. Đây là những công cụ đá đầu tiên của loài người. Theo kết quả nghiên cứu, một trong số những công cụ có niên đại cổ hơn 700.000 năm so với những công cụ cổ xưa nhất được tìm thấy cho đến nay. Công cụ đó được cho là ở thời kỳ của người Homo, tổ tiên của loài người hiện đại.
60 nhà khoa học, đứng đầu là nhà khảo cứu cổ sinh vật nhân chủng học người Mỹ Lee R. Berger công bố phát hiện về tổ tiên mới của loài người là người Homo Naledi sau khi tìm thấy hài cốt tại một hang động ở Nam Phi. Theo đó, người Homo Naledi có những đặc điểm liên quan tới người Homo Genus, nhưng lại cũng có những đặc điểm khác gần gũi hơn với người Australopithecus sống vào giai đoạn trước người Homo Genus.
Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu của Mỹ đã khai quật một lăng mộ có niên đại 3.000 năm, gần thành phố Luxor, Ai Cập. Lăng mộ này được cho là nơi an nghỉ của Amenhotep - nhà quý tộc canh giữ đền thờ vị thần cổ đại Amun, thuộc thời kỳ New Kingdom, Vương triều Ai Cập thứ 18.
Các chuyên gia khẳng định chắc chắn tàn tích gần Szigetvar, Hungary là nơi yên nghỉ của Suleiman Đại đế - vị vua lỗi lạc cai trị đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ 16. Theo sử gia Norbert Pap đến từ Đại học Pecs, Hungary và nhóm nghiên cứu của ông, mộ của Suleiman được xây ở chính nơi ông từng đóng quân và qua đời. Kết quả nghiên cứu này dựa trên những bằng chứng, dữ liệu đã thu thập được.
Các nhà khảo cổ Trung Quốc khai quật 30 ngôi mộ ở thành phố Tảo Dương với nhiều kích thước khác nhau. Những ngôi mộ này có niên đại từ giai đoạn Xuân Thu (770 – 476 TCN). Nhóm chuyên gia còn phát hiện một hố lớn chứa 28 cỗ xe ngựa trong tình trạng được bảo quản tốt. Thêm vào đó còn có 98 bộ xương ngựa, xếp theo 49 cặp. Qua đó cho thấy, đây là những ngôi mộ cổ của tầng lớp quý tộc Trung Quốc thời xưa.