Top 14 điều cần biết về AFF Cup

Vua về nhì Indonesia, được phát sóng trực tiếp ở Hàn Quốc, vì sao Australia không tham gia... là những chi tiết thú vị trước thềm kỳ thứ 14 của giải vô địch bóng đá Đông Nam Á.

1. Thay đổi tên gọi. Giải đấu quy tụ 11 đội tuyển khu vực Đông Nam Á năm nay sẽ mang tên AFF Mitsubishi Electric Cup 2022 vì lý do thương mại. Đây là nhà tài trợ thứ ba gắn với tên gọi của giải đấu trong lịch sử. Từ năm 1996 đến 2004, giải mang tên Tiger Cup còn từ 2008 đến 2020, tên giải là AFF Suzuki Cup.

2. Vẫn không có Australia tham dự. Từ khi gia nhập AFC vào năm 2007, Australia có quyền tham dự các giải thuộc khu vực châu Á. Do vị trí địa lý, họ gia nhập Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) vào năm 2013. Nhưng quốc gia này chưa từng tham dự AFF Cup do chênh lệch trình độ. Vào năm 2020, Australia từng nộp đơn xin dự giải nhưng bị từ chối. Hiện, Australia tham gia mọi giải đấu thuộc các cấp độ trẻ ở khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ cấp đội tuyển.

3. Được phát trực tiếp ở Hàn Quốc. Tuy là giải của khu vực Đông Nam Á, AFF Cup vẫn có sức hút ở Hàn Quốc. Kênh SBS, một trong những đài truyền hình lớn nhất Hàn Quốc, đã mua bản quyền phát sóng giải ở quốc gia này. Tuy nhiên, SBS sẽ chỉ phát sóng các trận có Indonesia, Malaysia và Việt Nam do ba đội tuyển đang được dẫn dắt bởi các HLV Hàn Quốc.


AFF Cup 2022 sẽ là giải cuối cùng HLV Park dẫn dắt Việt Nam. (Ảnh: Lâm Thỏa).

4. Indonesia chưa từng vô địch. Tuy vào chung kết tới sáu lần vào các năm 2000, 2002, 2004, 2010, 2016 và 2020, chỉ kém Thái Lan (chín lần), Indonesia chưa từng đăng quang. Họ đến gần chức vô địch nhất vào năm 2002. Khi ấy, Indonesia hòa Thái Lan 2-2 sau 120 phút rồi thua luân lưu 2-4.

5. Brunei, Campuchia, Lào và Timor Leste chưa từng qua vòng bảng. Trong 11 đội từng dự giải, Brunei, Campuchia, Lào và Timor Leste chưa từng vượt qua vòng bảng. Tuy từng ba lần tham dự (năm 2004, 2018 và 2020), Timor Lester chưa từng giành điểm. Họ không tham dự giải năm nay vì thua Brunei ở trận play-off. Brunei mới dự giải một lần năm 1996 và từng giành chiến thắng lịch sử trước Philippines ở giải năm đó.

6. Teerasil Dangda ghi nhiều bàn nhất. Tiền đạo Thái Lan Teerasil Dangda ghi nhiều bàn nhất trong lịch sử giải đấu (20 bàn) sau sáu lần tham dự, trong đó gần nhất là bàn thắng vào lưới Brunei ở trận ra quân 20/12. Tuy nhiên, cầu thủ ghi nhiều bàn nhất ở một kỳ AFF Cup là cựu tiền đạo Singapore Noh Alam Shah với 10 bàn vào năm 2007. Ông đứng thứ hai trong danh sách các cầu thủ ghi nhiều bàn nhất giải với 17 pha lập công.

7. Chanathip giữ kỷ lục ba lần giành giải Cầu thủ hay nhất. "Messi Jay" Thái Lan Chanathip Songkrasin giành danh hiệu Cầu thủ hay nhất AFF Cup trong ba lần tham dự các năm 2014, 2016 và 2020. Không cầu thủ nào giành giải thưởng cá nhân này nhiều hơn một lần ngoài anh. Khi Việt Nam vô địch vào các năm 2008 và 2018, cựu thủ thành Dương Hồng Sơn và Nguyễn Quang Hải lần lượt giành giải. Năm nay, Chanathip không tham dự AFF Cup vì bận phục vụ CLB.

8. Sân Senayan lớn nhất, sân Jalan Besar nhỏ nhất. Có 12 sân vận động đăng cai các trận tại AFF Cup 2022. Trong đó, sân có sức chứa nhiều nhất là Senayan tại Indonesia, hay còn được biết tới với tên gọi Gelora Bung Karno, với 77.193 chỗ ngồi. Tuy nhiên, sau sự cố vỡ sân Kanjuruhan khiến 125 người chết, Indonesia sẽ tổ chức các trận đấu mà không có khán giả tại AFF Cup năm nay. Sân có sức chứa nhỏ nhất là Jalan Besar với chỉ 2.500 chỗ ngồi. Đây là nơi tổ chức trận Singapore - Việt Nam ở bảng B vào ngày 30/12.

9. Hassan Sunny già nhất, Wongsakda Chantaluesai trẻ nhất. Bước sang tuổi 39 vào tháng 4/2023, thủ thành Singapore Hassan Sunny là cầu thủ lớn tuổi nhất dự AFF Cup 2022. Cầu thủ trẻ nhất là hậu vệ Lào Wongsakda Chantaluesai, người sẽ bước sang tuổi 18 vào ngày 28/12 .

10. Thai League góp nhiều cầu thủ nhất. Mỗi đội dự AFF Cup 2022 được đăng ký 23 cầu thủ, đồng nghĩa sẽ có 230 VĐV tham dự giải. Trong số này, Thai League đóng góp nhiều cầu thủ nhất: 34 người, với 22 thành viên thuộc tuyển Thái Lan, năm cầu thủ Myanmar, ba Lào, hai Philippines, hai Singapore và một Malaysia.

11. Năm cầu thủ đang thi đấu ngoài châu Á. Chỉ có 5 cầu thủ đang thi đấu cho các CLB ngoài châu Á tham dự AFF Cup 2022, gồm Quang Hải (Việt Nam), đá cho Pau FC (Pháp); Witan Sulaeman (Indonesia), đá cho AS Trencin (Slovakia); Ilhan Fandi (Singapore) đá cho Deinze (Bỉ); Sebastian Beraque (Philippines) đá cho Randers (Đan Mạch) và Nick Taylor (Campuchia) đá cho Orlando City (Mỹ).

Có hai cầu thủ thi đấu ở Nhật Bản: Pratama Arhan (Indonesia) chơi cho Tokyo Verdy và Jefferson Tabinas (Philippines) đang khoác áo Mito HollyHock.

12. Indonesia trẻ nhất. Với tuổi trung bình 23,7, Indonesia là đội trẻ nhất dự giải. Kế đến là Philippines (24,5), Malaysia (25,3), Brunei (27,9) và Thái Lan (28,3).

13. Ba HLV là người Hàn Quốc. Không đội nào tại AFF Cup 2022 có HLV là người bản xứ. Trong đó, có đến ba HLV mang quốc tịch Hàn Quốc, gồm Park Hang-seo (Việt Nam), Shin Tae-yong (Indonesia) và Kim Pan-gon (Malaysia). Đức, Tây Ban Nha và Nhật Bản, mỗi nước có hai HLV. Người còn lại mang quốc tịch Brazil - Mano Polking của Thái Lan.

14. Bốn đội vô địch AFF Cup: Xuyên suốt 26 năm, qua 13 lần được tổ chức, giải chỉ ghi nhận bốn đội tuyển vô địch, gồm Thái Lan (sáu lần), Singapore (bốn lần), Việt Nam (hai lần) và Malaysia (một lần).

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất