Trái đất bị thủng lỗ vì bắt giữ "lỗ đen nguyên thủy"?

Một nghiên cứu mới cho thấy "lỗ đen nguyên thủy", loại vật thể giả thuyết từ vũ trụ sơ khai, có thể ẩn nấp ngay trên Trái đất.

Theo Sci-News, các vật thể gọi là "lỗ đen nguyên thủy" vốn đã được lý thuyết hóa trong nhiều năm, nhưng chưa cơ quan khoa học nào thực sự quan sát được chúng.

Các lý thuyết cho rằng "lỗ đen nguyên thủy" là một trong những loại vật thể đầu tiên của vũ trụ, sinh ra ngay sau sự kiện Vụ nổ Big Bang.

Chúng có thể là "hạt mầm" của những lỗ đen khổng lồ mà các kính thiên văn đã nhìn thấy trong vũ trụ sơ khai, là ứng cử viên cho vật chất tối, là nguồn sóng hấp dẫn nguyên thủy có thể giúp giải đáp rất nhiều vấn đề vũ trụ học.


Các "lỗ đen nguyên thủy" - (Ảnh đồ họa: NASA).

Theo nghiên cứu mới dẫn đầu bởi GS Dejan Stojkovic từ Đại học Buffalo và TS De-Chang Dai từ Đại học Case Western Reserve (Mỹ), có một nơi chúng ta có thể tìm thấy loại vật thể bí ẩn này mà ít ai nghĩ đến: Ngay trên Trái đất.

“Chúng ta phải suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ vì những gì đã được thực hiện trước đây để tìm ra các hố đen nguyên thủy đều không hiệu quả” - GS Stojkovic nói.

Các mô hình của họ cho thấy các "lỗ đen nguyên thủy" theo mô tả lý thuyết hiện nay có thể vẫn đang tồn tại trong trạng thái y như 13,8 tỉ năm trước và lang thang khắp vũ trụ.

Chúng có thể bị các hành tinh đá hoặc tiểu hành tinh bắt giữ. Khi đó, chúng sẽ tiêu thụ vật chất của thứ đã bắt giữ chúng và để lại cấu trúc rỗng.

Với Trái đất to lớn, chúng có thể để lại các đường hầm siêu nhỏ trong các tảng đá rất cũ,  thậm chí là thủy tinh hoặc các cấu trúc rắn khác trong các tòa nhà rất cũ.

Có thể nó đi qua cả sinh vật sống - dù hiếm - nhưng sẽ không gây tổn hại gì bởi mô sinh vật có tính năng đàn hồi, đủ để vật thể cực nhỏ này chui qua nhẹ nhàng.

"Mặc dù động năng của lỗ đen nguyên thủy có thể rất lớn, nhưng nó không thể giải phóng nhiều năng lượng trong quá trình va chạm vì nó di chuyển quá nhanh. Nếu nhanh hơn tốc độ âm thanh, cấu trúc phân tử của môi trường đó sẽ không có thời gian để phản ứng" - GS Stojkovic giải thích.

Nghiên cứu vừa công bố trên Dark Universe này cũng cho thấy "lỗ đen nguyên thủy" cũng có thể tấn công các vật thể vũ trụ nhỏ hơn Trái đất nhiều.

Nếu đó là một vật thể bé nhỏ, các lỗ đen này có thể tiêu thụ dần phần lõi lỏng bên trong và biến vật thể đó thành một chiếc vỏ rỗng.

Dạng vật thể vỏ rỗng này phải có kích thước không quá 1/10 Trái đất. Chúng có thể được xác định thông qua kính thiên văn, bởi những thứ rỗng sẽ có mật độ thấp bất thường.

Đối với các vật thể không có lõi chất lỏng, các lỗ đen nguyên thủy có thể chỉ đi qua và để lại một đường hầm siêu nhỏ thẳng, như những đường hầm mà nó để lại trong các cấu trúc rắn của Trái đất.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất