Trái Đất chụp từ khoảng cách 110 triệu km ngoài vũ trụ

Tàu vũ trụ Osiris-Rex của NASA chụp ảnh Trái Đất từ khoảng cách 110 triệu km khi quay quanh thiên thạch Bennu vào đầu năm.

Trong loạt ảnh phơi sáng lâu do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chia sẻ tuần trước, thiên thạch Bennu với đường kính chỉ khoảng 500 mét trông như một giọt nước lớn, theo Long Room. Ở cách đó 110 triệu km, Trái Đất có hình dáng giống chấm sáng màu trắng ở góc dưới bên trái và Mặt Trăng thậm chí còn nhỏ hơn nhưng vẫn có thể nhìn rõ.


Trái đất giống một chấm sáng nhỏ trong bức ảnh chụp từ khoảng cách 110 triệu km. (Ảnh: NASA).

"Dù tàu vũ trụ ở cách rất xa, Trái Đất và Mặt Trăng rất dễ nhìn thấy ở góc dưới bên trái do thời gian phơi sáng lâu của bức ảnh (5 giây)", NASA cho biết.

Khi chụp bức ảnh, khoảng cách giữa tàu vũ trụ Osiris-Rex và Bennu chỉ khoảng 43 km, do đó tiểu hành tinh này dường như có độ phơi sáng cao ở góc trên bên phải. Một phần của chòm sao Hydra cũng lọt vào góc dưới bên phải bức ảnh.

Tàu Osiris-Rex khởi hành từ trạm không quân Cape Canaveral ở Florida, Mỹ, năm 2016. Sau hai năm bay trong vũ trụ, con tàu tiến vào quỹ đạo tiểu hành tinh Bennu hôm 31/12/2018. Osiris-Rex là tàu vũ trụ đầu tiên quay quanh một thiên thể nhỏ như vậy ở khoảng cách rất gần, khoảng 1.600 mét.

Tàu OSIRIS-REx đã tìm thấy nước nằm ở sâu bên trong Bennu. "Sự tồn tại của khoáng chất hydrate hóa trên tiểu hành tinh giúp xác nhận Bennu, thiên thạch tồn tại từ thuở sơ khai của hệ Mặt Trời, là mẫu vật hoàn hảo để nghiên cứu thành phần của các hợp chất dễ bay hơi và hợp chất hữu cơ nguyên thủy", Amy Simon, nhà khoa học thiết bị ở Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA tại Greenbelt, Maryland, cho biết.

Các vật liệu ở bề mặt của Bennu là sự kết hợp giữa những khu vực đầy sỏi đá và các vùng tương đối trơn nhẵn. OSIRIS-REx sẽ trải qua năm sau trên quỹ đạo của tiểu hành tinh trước khi đáp xuống sát bề mặt để lấy mẫu vật bụi và đất đá. Tàu sẽ mang mẫu vật về Trái Đất vào năm 2023.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất