Trái đất "trúng" pháo vũ trụ cực mạnh, sắp hứng thêm cầu lửa?
Theo Trung tâm Dự báo thời tiết không gian thuộc Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ, Trái đất trúng quả pháo sáng này vào lúc 3 giờ 57 phút giờ GMT ngày 20-4, tương đương 10 giờ 57 phút sáng 20-4 tại Việt Nam.
Chúng ta hầu như khó nhận biết khoảnh khắc quả pháo sáng dội vào bầu khí quyển Trái đất nhưng một số vùng nhất định đã xảy ra hiện tượng nhiễu, mất sóng vô tuyến, từ đó có thể gây rắc rối đối với các lĩnh vực cần đến hệ thống định vị và vô tuyến, ví dụ như hàng không, vũ trụ.
Hiện tượng cũng ảnh hưởng đến khả năng định vị của các sinh vật di trú.
Mặt trời với hoạt động "bùng nổ" từ nhiều vị trí - (Ảnh: NASA)
Pháo sáng vũ trụ là một luồng năng lượng cực mạnh mà Mặt trời - vốn đang trong giai đoạn mạnh mẽ nhất trong chu kỳ 11 năm - bắn thẳng vào Trái đất. Pháo sáng được chia thành nhiều loại, loại A là yếu nhất, rồi đến B, C, M, loại X là mạnh nhất. Quả pháo sáng vừa qua được xếp loại X2.2, nghĩa là cực mạnh, có nguồn gốc từ vết đen Mặt trời AR2992.
Có thể Trái đất sẽ tiếp tục "trúng đạn" nhiều hơn trong tương lai, theo Đài quan sát Động lực học Mặt trời của NASA, vốn đang bay quanh ngôi sao mẹ "bùng nổ" của chúng ta.
Theo Live Science, các nhà khoa học khắp thế giới đang tìm hiểu về sự cố vừa rồi và lo ngại một hiện tượng tiếp nối thường thấy: Một vụ phóng khối lượng đăng quang (CME), dưới dạng một quả cầu lửa khổng lồ làm bằng plasma lao tới, va chạm thẳng vào bầu khí quyển Trái đất, gây cực quang rực rỡ và kèm theo là ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với lưới điện, hệ thống vô tuyến - định vị.
Trang dự báo SpaceWeather.com cho hay không lâu sau quả pháo sáng loại X, Không quân Mỹ đã báo cáo về một vụ nổ vô tuyến năng lượng kiểu II, vốn có thể do sóng xung kích "đi trước" từ các cạnh của CME, có thể coi như dấu hiệu của một quả cầu lửa đang phóng ra.
Tuy nhiên, theo NOAA, khả năng xảy ra cực quang không lớn bởi khu vực phóng ra pháo sáng nằm ngoài rìa phía Tây Nam của Mặt trời, nên CME được tạo ra có thể không bắn về hướng Trái đất.
Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục sử dụng Đài quan sát Mặt trời Heliopheric (SOHO), một tàu vũ trụ do NASA và các đối tác châu Âu cùng vận hành, để tiếp tục theo dõi CME nếu có.
- Bí ẩn loài cá kỳ dị Nam Mỹ sống không cần nước
- Top 10 con sư tử đực mạnh mẽ nhất trong lịch sử
- Đừng bỏ lỡ mùa dâu tằm vì loại quả này có 11 tác dụng rất tốt cho sức khoẻ