Trạm vũ trụ sẽ ra sao nếu vắng Nga?

Trong suốt nhiều tuần kể từ sau chiến sự Ukraine, Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) được xem như biểu tượng của hợp tác vì khoa học và phi chính trị. Song những tuyên bố như "khoa học không bị ảnh hưởng bởi chính trị" dường như chỉ là lời nói suông.

Tương lai của ISS đang bị đặt dấu chấm hỏi, khi Nga cảnh báo có thể dừng hợp tác với phương Tây trong các sứ mệnh không gian liên quan nếu các lệnh trừng phạt nhắm vào nước này không được gỡ bỏ.

Biểu tượng bị rạn nứt


Nhà du hành Mỹ Mark Vande Hei (trái) cùng các nhà du hành Nga Anton Shkaplerov (giữa) và Pyotr Dubrov (phải) sau khi đáp xuống Trái đất tại Dzhezkazgan, Kazakhstan vào ngày 30-3. Phía NASA đã cảm ơn Nga sau chuyến hạ cánh thành công - (Ảnh: NASA)

Nga và phương Tây đang biến các dự án hợp tác không gian thành mục tiêu trả đũa, trừng phạt. Ngày 17-3, châu Âu tuyên bố sẽ chấm dứt hợp tác với Nga trong dự án ExoMars thám hiểm sự sống trên sao Hỏa vì tấn công Ukraine.

Ngày 21-3, OneWeb, một công ty vệ tinh của Anh, cũng hoãn vụ phóng 36 vệ tinh lên không gian trên tên lửa đẩy của Nga và chuyển sang SpaceX của Mỹ.

Giữa tuần trước, chuyến bay trở lại Trái đất của một phi hành gia Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) và hai người đồng nghiệp Nga trên tàu vũ trụ do Nga phát triển làm dấy lên hy vọng hợp tác giữa Nga và phương Tây trên ISS sẽ không thể đổ vỡ.

Tuy nhiên, suy nghĩ này đã bị lung lay khi giám đốc Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos), ông Dmitry Rogozin, đe dọa sẽ chấm dứt quan hệ đối tác nếu phương Tây không gỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga.

Trong bài đăng trên mạng Twitter ngày 2-4, ông Rogozin khẳng định các dự án không gian liên quan ISS và dự án khác sẽ không thể được nối lại hay tiếp tục như bình thường.

Ông mô tả các biện pháp trừng phạt là cách phương Tây cố gắng "giết chết nền kinh tế Nga và đẩy người dân vào tuyệt vọng, đói khát" và cho rằng ý định này chắc chắn sẽ thất bại.

Roscosmos sẽ sớm báo cáo Chính phủ Nga thời điểm kết thúc hợp tác trên ISS với các cơ quan không gian của Mỹ, Canada, EU và Nhật Bản. Trước đó, ông Rogozin cảnh báo các lệnh trừng phạt có thể phá hủy mối quan hệ giữa NASA và Roscosmos trên ISS.

ISS sẽ rơi nếu không có Nga?

Ông Rogozin cũng cảnh báo về việc ISS - vệ tinh nhân tạo lớn nhất của nhân loại - có thể rơi xuống Trái đất nếu không có Nga trợ sức.

Ông lý giải điều này là do Nga góp phần không nhỏ vào việc chế tạo bộ phận điều chỉnh tốc độ và quỹ đạo của ISS để né các mảnh vỡ không gian. Việc điều chỉnh diễn ra trung bình khoảng 11 lần mỗi năm và chỉ có tàu vũ trụ của Nga mới có thể chở các thiết bị nâng cấp đến bộ phận này.

Các bộ phận cấu thành ISS do NASA và Nga xây dựng tuy tách biệt nhưng được kết nối chặt chẽ với nhau.

Người Nga dựa vào các tấm pin mặt trời của Mỹ để cung cấp năng lượng, trong khi các tàu chở hàng của Nga cung cấp các thiết bị tăng tốc định kỳ để giữ cho trạm không rơi vào bầu khí quyển.

Ông Joel Montalbano, giám đốc chương trình ISS tại NASA, mô tả việc vận hành ISS là một hoạt động mà "không nước nào có thể tách ra và đi theo cách riêng của mình".

Báo New York Times gọi cuộc xung đột Ukraine là bài kiểm tra quan trọng cho NASA về việc liệu cơ quan này có thể đi bao xa trong việc vận hành ISS mà không có Nga.

Trong gần một thập niên sau khi tàu con thoi ngừng hoạt động, tàu Soyuz của Nga là cách duy nhất người Mỹ có thể đến ISS và trở về. Hiện nay, NASA đã có thể sử dụng tàu vũ trụ của SpaceX và chuẩn bị khai thác Starliner - tàu vũ trụ có người lái do Boeing phát triển dự kiến cất cánh vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, NASA vẫn muốn một số phi hành gia bay trên tàu Soyuz của Nga, theo New York Times. Thay vì trả tiền như trước, NASA muốn một sự trao đổi, đó là các phi hành gia Nga sẽ bay trên tàu của Mỹ và ngược lại.

Mặc dù hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận về việc này, các phi hành gia Nga đã đến Houston (Mỹ) và bắt đầu quá trình huấn luyện.

"Đây là một thời điểm rất thách thức với quan hệ quốc tế" - phi hành gia Mark Vande Hei của NASA, người vừa trở về Trái đất trên tàu vũ trụ của Nga, tâm sự với New York Times. Ông hy vọng những sợi dây liên kết giữa phương Tây với Nga thông qua chương trình không gian sẽ được duy trì, góp phần tìm kiếm hòa bình và hòa giải.

Nga tăng cường hợp tác với Trung Quốc

NASA muốn nâng cấp và kéo dài tuổi thọ của ISS đến năm 2030, nhưng Nga không đồng ý và muốn ISS kết thúc sứ mệnh lịch sử vào năm 2024.

Theo New York Times, đặt trong bối cảnh hiện tại, Nga có thể đang muốn tự mình phát triển trạm vũ trụ riêng hoặc tăng cường hợp tác với Trung Quốc.

Hợp tác không gian Trung - Nga đã phát triển trong những năm gần đây, bao gồm các thỏa thuận hợp tác về các sứ mệnh Hằng Nga 6 và 7 (Chang'e) của Trung Quốc và Luna 27 của Nga, một trung tâm dữ liệu chung cho thăm dò Mặt trăng và không gian sâu cùng một dự án có tên "Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế" (ILRS).

Theo kế hoạch, các vụ phóng đầu tiên trong nỗ lực xây dựng ILRS sẽ bắt đầu vào năm 2030 nhờ tên lửa đẩy siêu nặng thế hệ mới do cả Nga và Trung Quốc phát triển.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất