Tranh cãi về 3.000 lính Trung Quốc "biến mất" bí ẩn năm 1937

Một tiểu đoàn 3.000 binh sĩ Trung Quốc biến mất không dấu vết năm 1937, châm ngòi cho tranh cãi trong giới sử học.

Chiến tranh Trung - Nhật lần hai (1937-1945) đã chấm dứt được 75 năm, nhưng sự biến mất của 3.000 binh sĩ tiểu đoàn Nam Kinh của Trung Quốc vẫn là bí ẩn tới nay vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng.

Tháng 12/1937, khoảng 3.000 binh sĩ được chính quyền Quốc dân đảng điều đến Nam Kinh, thành phố bị đế quốc Nhật chiếm trước đó. Dưới quyền chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Li Fu Sien, họ được lệnh phong tỏa và ngăn quân Nhật thoát ra ngoài. Mục tiêu chính của tiểu đoàn là cây cầu bắc qua sông Trường Giang, kết nối Nam Kinh với khu vực xung quanh.

Tối 9/12/1937, tiểu đoàn trưởng Li Fu Sien đi ngủ như thường lệ sau khi thị sát binh sĩ đào công sự phòng ngự và tổ chức tuần tra canh gác. Tuy nhiên, ông hoàn toàn bối rối khi được trợ lý đánh thức và báo tin sốc vào sáng hôm sau.

Tuyến phòng ngự của tiểu đoàn không trả lời bất kỳ tín hiệu liên lạc và cuộc gọi nào. Một nhóm điều tra nhanh chóng được thành lập để tìm hiểu nguyên nhân. Khi đến nơi, họ phát hiện các vị trí phòng ngự không còn một bóng người.


Lính Nhật di chuyển đến Nam Kinh năm 1937. (Ảnh: Wikipedia).

Nhóm điều tra không phát hiện dấu hiệu của giao tranh vào ban đêm. Các vũ khí hạng nặng của tiểu đoàn còn nguyên vẹn và ở vị trí sẵn sàng khai hỏa. Những đống lửa được che giấu kỹ và vẫn âm ỉ cháy, nhưng toàn bộ binh sĩ biến mất mà không để lại dấu vết nào.

Những binh sĩ còn lại được thẩm vấn về lực lượng mất tích. Đơn vị đóng ở đầu cầu cho biết họ không thấy ai đi qua, cũng không nghe thấy âm thanh giao chiến nào trong đêm. Tất cả đều không biết chuyện gì xảy ra với đồng đội ở tuyến phòng ngự.

Giả thuyết đầu tiên được các nhà sử học đưa ra là các binh sĩ mất tích đã đầu hàng quân Nhật. Tuy nhiên, điều này khó xảy ra vì họ phải đi qua cây cầu nối với Nam Kinh, trong khi lính cảnh giới không thấy người qua lại trên cầu vào đêm đó. Thông tin do Nhật Bản cung cấp sau này cũng không đề cập việc hàng nghìn lính Trung Quốc đầu hàng cùng lúc ở Nam Kinh vào đêm 9/12/1937.

Một giả thuyết khác là binh sĩ tiểu đoàn đã bỏ vị trí phòng ngự và đồng loạt đào ngũ. Giả thuyết này có vẻ hợp lý khi họ có thể đã mệt mỏi vì chiến đấu và nhận thấy không thể xoay chuyển cục diện chiến trường. Cây cầu là đường duy nhất đến Nam Kinh nhưng không phải là lối duy nhất để rời khỏi tiền tuyến.

Nông dân ở Nam Kinh có thể giúp binh sĩ bỏ trốn, trong khi chính quyền Trung Quốc tìm cách che giấu thông tin để tránh làm giảm nhuệ khí. Dù vậy, giả thuyết này cũng không có sức thuyết phục, do cánh đồng hoa màu trong vùng khi đó rất trống trải và khó lòng che giấu 3.000 binh sĩ đào thoát.

Báo cáo của Nhật cho thấy họ không chạm trán nhóm lính Trung Quốc nào. Nếu 3.000 binh sĩ cùng đào ngũ, họ rất khó ẩn náu và một số người chắc chắn bị phát hiện sau đó.

Trong nhiều năm sau, nhiều giả thuyết được đưa ra để lý giải cho vụ mất tích của 3.000 lính Trung Quốc, nhưng không có phương án nào thật sự được chứng minh. Nhiều chuyên gia còn cho rằng điều này chưa từng xảy ra và chỉ là một câu chuyện đồn thổi trong giai đoạn đầu cuộc chiến.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất