Trí tuệ nhân tạo được tích hợp với khứu giác của chuột

Các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Thần kinh của Đại học Liên bang Miền Nam Nga (SFU) đã tạo ra hệ thống lai sinh học AI-chuột có thể được sử dụng để xác định các chất trong không khí.

Độ chính xác của hệ thống lai sinh học AI-chuột được cải thiện từ 60% lên 100%, Gazeta.Ru đưa tin, trích dẫn chương trình "Ưu tiên 2030" của Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga.

Cho đến nay, khả năng phát hiện thấy mùi của các thiết bị vẫn còn rất hạn chế, do các nhà khoa học chưa thể xác định hết thành phần của chất tạo mùi và nguyên lý tác dụng của chúng đối với khứu giác. Do đó, người ta quyết định kết hợp mũi điện tử với mũi sinh học.


Trong hệ thống lai sinh học này, chuột hoạt động như cảm biến nhờ khứu giác nhạy bén và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ phân tích hoạt động của não động vật và đưa ra kết quả.

“Các vi điện cực được cấy vào khứu giác của chuột. Tiếp theo, con vật được đưa vào trạng thái gây mê và đặt trong hộp có lắp đặt bộ khuếch đại tín hiệu sinh học. Chương trình máy tính ghi lại hoạt động của phần não chịu trách nhiệm về khứu giác và mạng lưới thần kinh nhân tạo xác định chất được đưa cho chuột", theo tiến sĩ Piotr Kosenko.

“Trong khi gây mê, não khứu giác hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với các trạng thái khác (thức hay ngủ). Đồng thời, chúng tôi nhận thấy khi gây mê sâu, phản ứng của tế bào thần kinh tăng lên và đạt hoạt động tối đa trong giờ thứ hai, nghĩa là trong giai đoạn sâu nhất”, Piotr Kosenko cho biết.

Các hệ thống như vậy có thể được áp dụng trong các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, chúng có thể được sử dụng để phát hiện các chất nguy hiểm tiềm ẩn, chẳng hạn như chất nổ hoặc chất gây nghiện, cũng như các chất đặc hiệu cho các bệnh ung thư trong không khí do người thở ra.

Trong tương lai, các chuyên gia có kế hoạch tạo ra các hệ thống hoạt động liên tục trong thời gian thực.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất