Công nghệ giúp trò chuyện với nhân vật như người thật
Trí tuệ nhân tạo có thể giúp các nhà phát triển game tạo ra nhân vật trò chuyện trực tiếp được với người chơi.
Một công nghệ mới được hỗ trợ bởi AI có khả năng tạo ra nhân vật ảo (NPC) với tiểu sử, tính cách, xuất thân như người thật, từ đó hỗ trợ nhà phát triển tạo ra NPC mà người chơi có thể trò chuyện trực tiếp.
Ngoài ra, những người nổi tiếng như Elon Musk, Mr Beast, nhân vật trong phim như Pikachu, Doraemon hay NPC trong game cũng đều được AI mô phỏng tính cách giống bản gốc.
Người dùng có thể trò chuyện trực tiếp với phiên bản AI của tỷ phú Elon Musk. (Ảnh: Inworld).
Tạo nhân vật như người thật
Tại sự kiện GDC 2023, công ty phần mềm trí tuệ nhân tạo Inworld đã giới thiệu một nền tảng giúp các nhà sản xuất game tạo ra các NPC như thật mà không cần kiến thức lập trình. Nhờ đó, người dùng phổ thông cũng có thể tạo và trò chuyện với nhân vật riêng của mình.
Inworld cho biết quá trình tạo nhân vật có thể đơn giản hoặc chuyên sâu, tùy vào chủ đích của người sử dụng. Nếu muốn có kết quả nhanh chóng, người dùng chỉ cần viết mô tả và yêu cầu hệ thống đưa ra dự đoán chính xác nhất, sau đó tải hình đại diện 2D và 3D cho nhân vật của mình.
Các nhà sản xuất game có thể nói với AI về tính cách, động cơ, nỗi sợ, cuộc đời, tiểu sử, tính cách, sở thích để tạo ra một NPC như người thật. Ngoài ra, công cụ cũng có khả năng “học” được các sự kiện có thật và kiến thức phổ biến nhằm trang bị cho nhân vật.
Người dùng tạo ra nhân vật Lý Tiểu Long. (Ảnh: Inworld).
Nhà làm game cũng có thể cung cấp cho NPC của mình những mục tiêu hoặc nhiệm vụ cụ thể, chọn nhiều loại giọng nói và kiểu đối thoại, đồng thời cung cấp các tương tác được viết sẵn để giúp AI đưa ra đoạn hội thoại chân thực nhất.
Đặc biệt, cách trò chuyện của NPC sẽ trung thành với đặc điểm tính cách được xây dựng. Ví dụ, một người dùng đã tạo ra nhân vật dựa trên trang Wiki của võ sĩ Lý Tiểu Long và yêu cầu công cụ này xây dựng câu trả lời của nhân vật này bằng những câu trích dẫn triết học ngắn gọn.
Kết quả là AI đã mô phỏng tính cách của Lý Tiểu Long và cung cấp những câu trả lời mang triết lý sâu sắc.
Tờ New Atlas nhận xét rằng công nghệ này sẽ sớm thay thế hệ thống đối thoại tuyến tính và các đoạn phim cắt cảnh nhàm chán đang được sử dụng trong game hiện nay. Các nhà sản xuất giờ đây có thể tạo ra các nhân vật sống động giúp người chơi đắm chìm vào thế giới game một cách chân thực nhất.
Tuy vậy, cần lưu ý rằng công cụ này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Cử động khuôn mặt cũng như chuyển động nhân vật trong bản trình diễn tại GDC được đánh giá chưa tốt, tông giọng của AI vẫn còn khá cứng và thô.
Trò chuyện với nhân vật yêu thích
Ngoài việc tạo ra nhân vật mới, người dùng cũng có thể trò chuyện với bất kỳ người nổi tiếng nào bằng cách gõ địa chỉ trang Wikipedia của họ vào công cụ. AI sau đó sẽ sử dụng những thông tin này để mô phỏng người được lựa chọn.
Trên trang chủ của Inworld, người dùng có thể chọn lựa một loạt nhân vật đã được lập trình sẵn. Từ những người nổi tiếng như Elon Musk, đầu bếp Gordon Ramsay, nhân vật trong phim như Pikachu hay NPC trong game đều được AI mô phỏng tính cách giống bản gốc.
Người dùng có thể trò chuyện với người nổi tiếng hay cả các nhân vật hư cấu. (Ảnh: Inworld).
Ngoài ra, Inworld cũng đã lập trình sẵn các dịch vụ như giáo viên ngôn ngữ, trợ lý sáng tác nhạc, nhân viên tư vấn, nhà tạo mẫu cá nhân, biên kịch hay thậm chí là bác sĩ tâm lý để hỗ trợ khách hàng.
Đáng lưu ý, công nghệ này vẫn tồn tại một số rủi ro nhất định. Khi trò chuyện với nhân vật, nội dung hội thoại có thể được ghi lại và đọc bởi công ty đứng sau công cụ AI.
Inworld cảnh báo người dùng không nên tiết lộ những thông tin cá nhân nhạy cảm cho AI. Công ty cũng khuyến cáo khách hàng đọc kỹ chính sách quyền riêng tư trước khi sử dụng dịch vụ của họ.
“Việc trò chuyện với các nhân vật này có thể rất lôi cuốn, đặc biệt là những dịch vụ như thầy bói, nhà trị liệu hay bác sĩ tâm lý. Tuy vậy bạn không nên chia sẻ tâm sự “thầm kín” hay cung cấp những thông tin có thật từ cuộc sống của bạn”, đại diện Inworld cho biết.