Trò chơi cổ xưa nhất thế giới, thường được dùng để kiểm tra độ tin cậy của đối tác buôn bán

Nghiên cứu mới cho thấy trò chơi cổ xưa nhất thế giới có thể còn tranh cãi về nguồn gốc khai sinh.

Trò chơi 58 lỗ là một trong những trò chơi lâu đời nhất trên thế giới. Theo cách giải thích truyền thống, trò chơi cờ bàn xuất hiện lần đầu tiên ở Ai Cập cổ đại trong thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên.


Trò chơi 58 lỗ.

Nhưng các cuộc khai quật gần đây cũng đã phát hiện ra bằng chứng về sự có mặt của trò chơi này ở Nam Caucasus trong cùng thời kỳ. Điều này thách thức sự hiểu biết của chúng ta về nguồn gốc của nó.

Đôi khi được gọi là trò "chó săn và chó rừng" do một số bộ trò chơi có khắc đầu động vật, 58 lỗ đã được chơi trong nhiều thế kỷ, từ giữa Thời đại đồ đồng đến Thời đại đồ sắt.

Nó bao gồm một tấm bảng, đôi khi là một vật thể được tạo ra có mục đích nhưng đôi khi chỉ đơn giản là một hình chạm khắc trên bề mặt phẳng có các hàng lỗ khoan trên đó. Những lỗ này được thiết kế làm nơi đặt những quân chơi.

Tổng cộng, có 58 lỗ trên bảng, được sắp xếp thành hai đường song song gồm 10 lỗ ở giữa, sau đó được bao quanh bởi một vòng cung 38 lỗ.

Để chơi, mỗi người chơi có năm quân di chuyển và sẽ lần lượt di chuyển chúng dọc theo các lỗ từ điểm bắt đầu rồi lên phía tương ứng của mình cho đến điểm cuối. Một số lỗ có đường nối giữa chúng. Những đường này đóng vai trò như những chiếc "thang đường tắt" giúp người chơi có cơ hội tiến về phía trước nhanh chóng hoặc vô tình bị tụt lại phía sau.


Một phiên bản 58 lỗ được trang trí công phu từ thiên niên kỷ thứ hai được tìm thấy ở Thebes. Các chốt có đầu được chạm khắc tinh xảo, một số đầu chó săn và một số chó rừng.

Số vị trí mà người chơi có thể di chuyển trong mỗi lượt đi được xác định bằng cách tung xúc xắc, ném gậy hoặc thứ gì đó tương tự.

Cần lưu ý rằng trò chơi đã phát triển qua nhiều thế kỷ, vì vậy nó có thể được chơi theo nhiều cách khác nhau vào những thời điểm khác nhau hoặc ở những địa điểm khác nhau.

Hiện tại, khoảng 80 bàn trò chơi 58 lỗ đã được sưu tầm và trưng bày tại các bảo tàng trên khắp thế giới. Hình dạng của các bàn cờ này thường biểu thị thời điểm và địa điểm mà nó được tạo ra. Các bàn cờ khác nhau đã được tìm thấy trên một khu vực rộng lớn, bao gồm Ai Cập, Levant, Lưỡng Hà, Iran và Tiểu Á.

Bàn cờ lâu đời nhất đến từ ngôi mộ ở el-Assasif , một nghĩa địa gần Luxor ở Bờ Tây tại Thebes, Ai Cập. Trò chơi này có lẽ thuộc về một trong những quan chức của pharaoh Mentuhotep II, người trị vì từ năm 2060 đến 2009 trước Công nguyên.

Một bàn cờ khác được tìm thấy ở Stratum II tại Kültepe ở trung tâm Anatolia có lẽ có niên đại từ khoảng năm 1885 đến năm 1836 trước Công nguyên.

Với những bàn cờ có niên đại lâu đời nhất được tìm thấy ở Ai Cập, người ta thường cho rằng đây là nơi trò chơi được phát minh ra. Tuy nhiên, có một số tranh luận về điểm này.

Các học giả khác lập luận rằng trò chơi này có thể đã xuất hiện từ Tây Nam Á, nơi nó phổ biến và dường như đã có thời gian sử dụng lâu hơn và nhất quán hơn.

Và giờ đây, nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khảo cổ học Walter Crist và Rahman Abdullayev đưa ra bằng chứng mạnh mẽ hơn để hỗ trợ cho lập luận đó.

Theo nghiên cứu, có bằng chứng từ Azerbaijan cho thấy mọi người chơi trò chơi này vào cuối thiên niên kỷ thứ ba đến đầu thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên, rất lâu trước khi nó xuất hiện ở Ai Cập.

Hơn nữa, có vẻ như những người chơi trò chơi này cũng tham gia vào các hoạt động tương tác khu vực trải rộng khắp Tây Nam Á vào thời điểm đó.

Các tác giả giải thích: "Sự đa dạng của bàn cờ 58 lỗ ở Tây Nam Á, cũng như sự xuất hiện sớm của nó ở đó, cho thấy một trường hợp chắc chắn hơn về nguồn gốc xa hơn về phía bắc so với Ai Cập".


Bàn cờ 58 lỗ cổ xưa nhất từng được phát hiện cho tới nay.

Bàn cờ được giữ gìn tốt nhất của trò chơi đến từ Khu bảo tồn quốc gia Gobustan, gần bờ phía tây của Biển Caspian, phía tây nam Baku. Trò chơi bao gồm một mô hình được khắc chạm vào một hòn đá và được phát hiện một cách tình cờ vào năm 2015.

Các phiên bản khác của trò chơi đã được tìm thấy tại các địa điểm ở Ağdaşdüzü, Yeni Türkan và Dübəndi.

Các nhà nghiên cứu tin rằng trò chơi lan truyền thông qua các tuyến đường thương mại chứ không phải là vật thể hay ý tưởng được lan truyền thông qua việc xâm lược, chinh phục.

Mặc dù công trình nghiên cứu của họ cho thấy 58 lỗ có thể có nguồn gốc từ Tây Nam Á trước khi nó trở nên phổ biến ở Ai Cập, nhưng các tác giả nhấn mạnh rằng cần có thêm thông tin trước khi bất kỳ nền văn hóa riêng lẻ nào có thể được công nhận là phát minh của trò chơi.

Bất kể nguồn gốc của trò chơi 58 lỗ là ở đâu thì đây vẫn được xem là một trò chơi được yêu thích bởi rất nhiều quốc gia. Nó đã nhanh chóng được nhiều người chấp nhận, từ giới quý tộc ở Trung Vương quốc Ai Cập đến những người chăn gia súc ở Caucasus, và từ những thương nhân Assyria cổ ở Anatolia cho đến những công nhân xây dựng ở Trung Quốc.

58 lỗ đặc biệt phù hợp để xây dựng mối quan hệ giữa các thương nhân vì trò chơi được xem như một cách mà mọi người sử dụng để đánh giá mức độ đáng tin cậy hay trí tuệ của đối tác.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất