Trung Quốc: Nước giàu cần giúp nước nghèo cải thiện khí hậu
Trung Quốc hôm 29/10 đã kêu gọi các quốc gia có nền kinh tế phát triển đi đầu trong các nỗ lực quốc tế nhằm đối phó với việc thay đổi khí hậu và giúp các nước đang phát triển và các nước nghèo cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Các nước có nền công nghiệp hoá lẽ ra nên dành ít nhất 0,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ để giúp các nước đang phát triển giải quyết vấn đền biến đổi khí hậu, Chính phủ Trung Quốc nói trong một văn bản đưa ra hôm 29/10.
"Tuy nhiên cho đến nay số chi của họ thấp hơn rất nhiều so với mức này," Xie Zhenhua, phó Giám đốc Uỷ ban Phát triển và Cải cách quốc gia (NDRC) cho biết.
Trong văn bản có nhan đề là “Các chính sách của Trung Quốc và Hành động để giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu”, Chính phủ Trung Quốc cho rằng các nước phát triển nên hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ để giúp các quốc gia đang phát triển đối phó lại với các cảnh báo về thay đổi khí hậu trên toàn cầu.
Các nước đang phát triển, trong khi phát triển kinh tế và chống lại đói nghèo, cũng nên tích cực thực hiện những biện pháp mạnh, giảm rác thải xuống mức thấp nhất và hoàn thành trách nhiệm trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Ô nhiễm tại một nhà máy ở Trung Quốc. (Ảnh: AFP) |
Trung Quốc và Mỹ là 2 quốc gia thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới, nhưng Bắc Kinh cho rằng phương Tây phải gánh chịu trách nhiệm lịch sử lớn hơn đối với những cảnh báo toàn cầu về thay đổi khí hậu và nên cho phép các nước nghèo phát triển kinh tế và xoá đói giảm nghèo khi vì cả thế giới đối phó với vấn đề thay đổi khí hậu.
Các nước phát triển nên chịu trách nhiệm chính đối với vấn đề thay đổi khí hậu vì lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của họ tính từ năm 1950 đến năm 2000 chiểm khoảng 77% lượng khí thải của toàn thế giới, ông Xie nói.
Lượng khí thải của Trung Quốc chiếm khoảng 8% tổng lượng khí thải của toàn thế giới tính từ năm 1904 đến năm 2004, vị quan chức này nói: "Theo dữ liệu của chúng tôi, tổng lượng khí thải hiện tại của Trung Quốc gần tương đương với Mỹ. Tuy nhiên chúng ta nên xem xét vấn đề một cách công bằng và từ một cái nhìn lịch sử."
"Chính phủ Trung Quốc rất chú ý đến vấn đề thay đổi khí hậu toàn cầu", ông nói.