Trung Quốc phát triển máy bay cánh sát đất tốc độ 240km/h
Các nhà nghiên cứu phát triển một mẫu máy bay wingship hiệu ứng cánh sát đất sức chở 12 hành khách, bay liên tục 6 giờ ở tốc độ 240km/h.
Máy bay cánh sát đất mới của Trung Quốc bay thử trên biển. (Ảnh: SCMP).
Shi Yajun ở Trung tâm nghiên cứu khoa học tàu Trung Quốc và cộng sự thiết kế phương tiện bay mới có thể sử dụng để thả vật tư xuống đảo và bãi biển hoặc tiến hành nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ. Mẫu máy bay đã thực hiện 30 thử nghiệm trên biển, Interesting Engineering hôm 10/4 đưa tin. Cỗ máy trang bị một động cơ đẩy cho phép di chuyển bên trên mặt nước và phần cánh hỗ trợ phương tiện trong không trung.
Phương tiện cánh sát đất (GEV) sử dụng hiệu ứng làm giảm lực cản khí động mà vật thể trải qua khi tiếp cận một bề mặt để đạt lực nâng và tăng hiệu quả. Đệm khí giữa bề mặt và vật thể cho phép nó tạo ra lực nâng ở tốc độ thấp hơn. Một ví dụ nổi tiếng của loại phương tiện này là máy bay ekranoplan của Liên bang Xô Viết có thể bay cách mặt nước vài mét với sải cánh 70m. Ekranoplan chuyên chở người và thiết bị phía trên mặt nước, đạt tốc độ lên tới 400km/h
Theo Science and Technology Daily, máy bay mới có thể bay 6 giờ liên tục ở tốc độ 240 km/h. Phương tiện có tổng trọng lượng cất cánh là 4,5 tấn và sức chở 12 hành khách. "So với thủy phi cơ hoặc các thế hệ wingship trước đây, cỗ máy có sức cản sóng cao, đảm bảo hoạt động quanh năm và an toàn ở vùng biển động", Shi cho biết.
Nhóm nghiên cứu tính toán phương tiện có thể di chuyển nhanh hơn 20 lần so với tàu thuyền trên mặt nước. Nó có thể di chuyển tới nơi xảy ra tai nạn nhanh chóng và ở gần đó trong thời gian dài trong khi tiến hành hoạt động tìm kiếm và nhận dạng bằng hệ thống máy dò trong cabin. Mẫu máy bay sau đó sẽ chao liệng bên trên mục tiêu, thả thiết bị cứu sinh và vật tư khẩn cấp. Nó cũng có thể chở người bị thương tới cơ sở y tế. Phương tiện cánh sát đất này sẽ đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới vận chuyển tốc độ nhanh giữa đảo Hải Nam và các đảo khác.
- Con người cần bao lâu để xâm chiếm hành tinh khác?
- Hình ảnh mới từ nhà máy hạt nhân Fukushima gây lo ngại
- Chuyên gia chỉ cách ăn ít mà không đói