Trung Quốc sẽ xây dựng kính thiên văn khổng lồ thứ hai để tìm người ngoài hành tinh
Đã từng sở hữu chiếc kính thiên văn lớn nhất thế giới, nay Trung Quốc đang lên kế hoạch tiếp tục xây dựng kính thiên văn khổng lồ thứ hai nhằm đẩy mạnh công cuộc tìm kiếm các sự sống khác bên ngoài vũ trụ và giải quyết nhiều bí ẩn khác mà con người chưa tìm được lời giải.
Theo trang tin công nghệ Cnet, với chiếc kính thiên văn radio khổng lồ thứ hai này, Trung Quốc sẽ có thể tăng cường khả năng tìm kiếm người ngoài hoành tinh, vật chất tối, sóng trọng lực và những bí ẩn khác trong vũ trụ. Nước này hiện đang sở hữu kính thiên văn radio lớn nhất thế giới với tên gọi... dài ngoằng: Five hundred meter Aperture Spherical Telescope (viết tắt là FAST). Cùng với trạm thiên văn Arecibo Observatory của Puerto Rico, hai chiếc kính thiên văn này về cơ bản là những chiếc đĩa khổng lồ được dựng nên giữa núi rừng. Tuy nhiên, một nhược điểm của hai kính thiên văn này là chúng không xoay được. Chiếc kính thiên văn có thể xoay được lớn nhất thế giới hiện tại là Green Bank tại Tây Virginia (Mỹ) với khả năng di chuyển theo ý muốn người điều khiển để nhắm vào các mục tiêu cụ thể.
Kính thiên văn FAST.
Được biết, kế hoạch xây dựng kính thiên văn mới này của Trung Quốc chỉ vừa được thông qua trong tuần này. Dự kiến chiếc kính này sẽ đặt tại Tây Bắc Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, và có tên gọi là Xingjiang Qitai 110 Radio Telescope (QTT). Kính thiên văn này sẽ có thể xoay được, với đường kính đĩa lớn hơn khoảng 10% so với Green Bank và khả năng bao phủ 75% bầu trời.
"Chiếc ăng-ten này là loại lớn nhất thế giới, và có thể truy được nguồn gốc của bất kỳ tín hiệu nào mà nó nhận được" - Song Huagang tại Viện Khoa học Trung Quốc phát biểu.
Kính thiên văn radio FAST có thể bắt được một vài tần số thấp hơn các tần số mà QTT có khả năng bắt được, nhưng cả hai chiếc kính thiên văn radio khổng lồ này sẽ có vùng phủ sóng trùng lặp nhau trong phạm vi từ khoảng 150 MHz đến 3 GHz.
Doug Vakock tại METI International - nơi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm các trí thông minh ngoài Trái Đất (SETI) đã nói rằng sự trùng lặp vùng phủ sóng này là rất quan trọng bởi nó có một thứ gọi là "lỗ nước" (water hole) đặc biệt được các nhà nghiên cứu tại SETI quan tâm.
"Đó là một vùng không gian tĩnh lặng nằm giữa các vùng quang phổ nổi bật tạo ra bởi hydrogen và hydroxyl, các thành phần của nước - vốn là trung tâm của mọi sự sống trên Trái Đất" - ông nói - "vùng lặp tần số của QTT và FAST có ý nghĩa lớn, bởi khi một tín hiệu được phát hiện bởi một kính thiên văn này, nó có thể được tiếp tục theo dõi bởi kính thiên văn kia, và dữ liệu sẽ được phân tích theo thời gian thực".
Kính thiên văn radio Green Bank tại Tây Virginia.
Nhưng giá trị của QTT - Vakock nói thêm - sẽ không chỉ giới hạn trong khả năng tìm kiếm các dấu hiệu của các nền văn minh xa xôi, mà còn ở việc nó sẽ đóng góp vào quá trình giải mã các bí ẩn tự nhiên khác của vũ trụ. Cần nhớ rằng chỉ trong quá trình thử nghiệm thôi, kính thiên văn FAST đã có thể khám phá ra hai ẩn tinh.
Chúng ta sẽ phải chờ thêm một thời gian (khá dài) nữa mới biết được liệu sự "hợp đồng tác chiến" giữa FAST và QTT sẽ mang lại hiệu quả như thế nào. Liệu chúng có thể tìm thấy tín hiệu của người ngoài hành tinh hay không? Và nhiều thứ khác nữa?
QTT dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2023.