Trung Quốc xây "trường thành thiên văn" đón cầu lửa vũ trụ
Một hệ thống kính thiên văn khổng lồ xếp thành vòng tròn, chu vi hơn 3,14km đang được xây dựng trên cao nguyên ở tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc.
Theo tờ Space, khi "trường thành thiên văn" này hoàn thành, nó sẽ gồm 313 kính viễn vọng dạng chảo, mỗi chiếc có đường kính lên tới 6m. Nó được gọi là "Kính viễn vọng vô tuyến Mặt trời Đạo Thành" (DSRT).
Đạo Thành (Daocheng) là tên một huyện ở tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc, cũng là nơi mà DSRT ngự trị.
Hệ thống Kính viễn vọng Vô tuyến Mặt trời Đạo Thành (DSRT) nhìn từ trên cao vào tháng 6/2022. (Ảnh: China News Service/Liu Zhongyan)
Một đoạn của hệ thống Kính viễn vọng vô tuyến Mặt trời Đạo Thành - (Ảnh: China News Service).
Đây là một hệ thống kính thiên văn vô tuyến cực kỳ mạnh mẽ, được áp dụng chính trong việc nghiên cứu các quả cầu lửa và pháo sáng mà Trái đất vẫn thường hứng chịu từ vũ trụ - chính là các vụ phóng khối lượng đăng quang (CME) và các quả pháo sáng khác từ Mặt trời, những thứ gây ra bão địa từ (bão Mặt trời).
HÌnh ảnh từ việc xây dựng DSRT đã được công bố bởi China News Service, kèm báo cáo đăng tải trên The South China Morning Post cho hay việc xây dựng sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Hệ thống này là một phần của hệ thống giám sát môi trường không gian từ mặt đất được gọi chung là Dự án Kinh tuyến Trung Quốc, gồm một chuỗi nhiều trạm quan trắc dọc theo kinh tuyến 120 độ Đông.
Dự án cũng sẽ bao gồm một công trình được trông chờ khác là Máy đo vô tuyến quang phổ Trung Quốc để theo dõi hoạt động năng lượng Mặt trời, đang được xây dựng ở Nội Mông. Hệ thống này bao gồm 100 đĩa kính thiên văn xếp theo hình xoắn ốc 3 nhánh.
Toàn bộ dự án với 31 trạm trên khắp Trung Quốc được điều phối chính bởi Trung tâm Khoa học không gian Quốc gia (NSSC) thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc và có sự hỗ trợ của hơn 10 viện, trường, tổ chức khoa học khác.
- "Đại vương" săn mồi của vùng biển Nhật: Thân hình "bé bự", thống trị ở độ sâu 2.000 mét nước
- Băng trên đỉnh Alps biến mất, nhiều hài cốt người và xác máy bay lộ ra
- James Webb chụp được "hành tinh từ hư không" cách 2.000 năm ánh sáng