Tủ quần áo của bạn cũng đang vô tình làm ô nhiễm đại dương?

Ít ai biết rằng, chính tủ quần áo của bạn cũng có thể là một nguồn thải ra các hạt nhựa siêu nhỏ và gây ô nhiễm đại dương. Chính vì vậy việc mua quần áo với số lượng vừa đủ cũng là một cách để bảo vệ môi trường.

Từ vùng cực đến rãnh Mariana đều đã ghi nhận bóng dáng của các sợi microfiber (vi sợi) tổng hợp. Chúng trôi ra từ máy giặt của các gia đình và các các nguồn phát thải khác và vi sợi đang hàng ngày gây ô nhiễm khắp đại dương.

Thế giới đang chứng kiến tình trạng ô nhiễm đại dương trầm trọng và một phần nguyên nhân đến từ nhựa sử dụng một lần, ví dụ như chai nhựa, túi nilong, ống hút hay tíu xách. Sự nguy hiểm của các vật dụng này đối với hệ sinh thái đại dương là điều không cần bàn cãi và nhiều quốc gia đã ra lệnh cấm sử dụng các thứ này.

Theo AFP, hầu hết những mảnh vụn từ nhựa có thể nhìn thấy ở khắp nơi trên biển và thường dạt vào các bờ biển hoặc mắc trên mang hoặc trong dạ dày của các sinh vật biển, chim biển.

Tuy nhiên còn một nguồn gây ô nhiễm biển khác cũng rất nguy hiểm đó là vi sợi hay các mảnh cực nhỏ của sợi polyester, nylon và acrylic. Đây là những nguồn gây ô nhiễm nguy hiểm nhưng ít khi được chú ý. Có thể khẳng định, vi sợi là một trong những dạng vi nhựa nguy hiểm nhất. Hình dạng và chất liệu khiến chúng như một miếng bọt biển và có thể hấp thụ các chất hóa học độc hại bao gồm thuốc nhuộm.


Các vi sợi có mặt ở khắp đại dương, kể cả ở rãnh Mariana.

Hiện còn quá sớm để biết những vi sợi này ảnh hưởng ra sao đến con người. Tuy nhiên nhiều thí nghiệm đã chứng minh, các vi sợi này tích tụ ở trong gan, thận và ruột của chuột, cá. Đặc biệt các vi sợi này có thể gây ra vấn đề liên quan đến sinh sản và tiêu hóa.

Hay trong một nghiên cứu của nhà khoa học Fransien van Dijk từ Đại học Groningen, Hà Lan đã chỉ ra, các sợi tổng hợp nếu không may chui vào hệ hô hấp của con người có thể làm cản trở sự phát triển của phổi.

Imogen Napper, một nhà nghiên cứu tại Đại học Plymouth cho biết: "Hầu hết mọi người không nhận ra rằng, phần lớn quần áo chúng ta được làm từ nhựa. Chúng ta giặt quần áo thường xuyên và hàng trăm ngàn sợi nhựa đó sẽ thoát ra khỏi sợi vải sau mỗi lần giặt. Đây có thể là một trong những nguồn gây ô nhiễm nhựa chính cho môi trường". Vậy làm sao những hạt nhựa siêu nhỏ đó lại bị trôi dạt ra biển?

Hồi năm 2015, một báo cáo do tổ chức Ellen McArthur công bố ước tính, có nửa triệu tấn vi sợi bị rò rỉ vào đường thoát nước mỗi năm và 53 triệu tấn hàng dệt may mới được sản xuất hàng năm. Tổ chức Ocean Wise cũng tiết lộ, một gia đình trung bình tại Mỹ và Canada thường thải ra khoảng 500 triệu vi sợi vào môi trường mỗi năm.

Mua ít quần áo hơn là giải pháp khả dĩ nhất lúc này

Phần lớn các sợi vải siêu nhỏ thường bị chặn lại trong quá trình xử lý nước. Nhưng theo nghiên cứu của tổ chức phi lợi huận Ocean Wise, thực tế vẫn có gần 900 tấn vi sợi nhân tạo vẫn đang trôi ra biển hàng năm.

Tại một số nước kém phát triển và đang phát triển, những hạt vi sợi này có thể không được chặn lại và thường trôi thẳng ra biển qua đường cống nước. Chính điều này làm gia tăng lượng dòng chảy chứa các sợi vi nhựa ra biển.

Peter Ross, đồng tác giả báo cáo của Ocean Wise cho rằng, manh mối để xác định lượng vi sợi này rất khó khăn vì một số sinh vật không may ăn phải các vi sợi này bị chết hoặc bị các loài khác ăn. Thời gian qua đã có nhiều nghiên cứu tập trung tìm cách giảm lượng vi sợi trôi ra biển trong quá trình giặt quần áo. Tuy nhiên cách tốt nhất vẫn là giặt ít hơn.


Khi bạn giặt đồ, bạn có thể giảm tác động ô nhiễm bằng cách hạ thấp nhiệt độ nước xuống.

Laura Diaz Sanchez, một nhà vận động của tổ chức Plastic Soup Foundation cho biết: "Khi bạn giặt đồ, bạn có thể giảm tác động ô nhiễm bằng cách hạ thấp nhiệt độ nước xuống. Vì nhiệt độ trên 30 độ C sẽ dễ khiến các sợi vải bị bung ra. Chất tẩy lỏng tốt hơn so với bột giặt vì bột giặt dễ làm vi sợi trôi ra khỏi sợi vải".

Cuối cùng các nhà khoa học nhấn mạnh, mua ít quần áo hơn cũng là một cách hiệu quả để ngăn thải vi sợi ra đại dương. Bởi trước đó đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra, việc giặt quần áo lần đầu tiên sau khi mua dễ làm bung các vi sợi hơn cả. Tuy nhiên điều này không hề dễ dàng trong bối cảnh văn hóa thời trang nhanh đang nở rộ trên khắp thế giới.

Mojca Zupan, sáng lập gia start-up PlanetCare có trụ sở tại Slovenia khẳng định: "Đây là điều mà tất cả chúng ta có thể dừng lại được".

Theo một nghiên cứu từ Đại học Plymouth (Anh Quốc) và Viện Polyme, Composite và Vật liệu sinh học (IPCB) tại Ý chỉ ra, mặc quần áo sử dụng sợi polyester làm tăng nguy cơ giải phóng các sợi vi nhựa trong lúc giặt. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm 4 sản phẩm may mặc có chứa thành phần polyester. Các mẫu đều có đặc tính dệt khác nhau. Trong đó các sản phẩm có cấu trúc dệt nhỏ, sợi xoắn cao và độ xù lông thấp sẽ ít giải phóng ra các hạt vi nhựa trong nước và không khí.

Nói cách khác chính vấn đề thiết kế và quy trình dệt đã tác động tới khả năng thải vi nhựa từ quần áo ra môi trường. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology mới đây.

Ngành thời trang nhanh thế giới phải thích nghi

Plastic Soup Foundation nhấn mạnh thêm vai trò của các nhà sản xuất máy giặt. Tổ chức này kêu gọi các hãng điện tử cần sớm phát triển các bộ lọc vi sợi trước khi thải nước giặt ra ngoài môi trường để giảm thiểu ô nhiễm đại dương.

Pháp đã ban hành luật yêu cầu máy giặt mới sẽ phải lắp đặt các bộ lọc vi sợi kể từ năm 2025. Tuy nhiên vấn đề cũng nằm ở các thương hiệu thời trang nhanh khi họ phải tìm ra cách làm tăng tuổi thọ quần áo nhằm giảm nguy cơ thải vi sợi ra môi trường qua không khí hoặc giặt giũ.


Các hãng thời trang cần phát triển các dây chuyền sản xuất và hình thức dệt mới giúp quần áo ít bị bung sợi hơn trong quá trình mặc.

Rõ ràng trong bối cảnh văn hóa mua sắm thời trang nhộn nhịp như hiện nay, vai trò và trách nhiệm của các thương hiệu thời trang nhanh rất quan trọng. Các hãng ví như H&M, UNIQLO hay Zara cần phát triển các dây chuyền sản xuất và hình thức dệt mới giúp quần áo ít bị bung sợi hơn trong quá trình mặc.

Thậm chí ngay cả khi bạn cho rằng, việc chuyển sang sử dụng hoàn toàn sợi tự nhiên như bông cũng không hẳn là ý tưởng hay. Bởi theo các chuyên gia, cây bông tiêu tốn một lượng lớn nước và thuốc trừ sâu. Đó là chưa kể sản xuất quần áo từ sợi tự nhiên rất tốn kém và gây ra những vấn đề môi trường khác.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất