UNESCO thúc đẩy phát triển tiếp cận mở khoa học
Ngày 6/4, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công bố các nguyên tắc hướng dẫn chính sách phát triển và thúc đẩy tiếp cận mở thông tin khoa học, đồng thời cung cấp các biện pháp cụ thể để thực thi hiệu quả các chính sách này.
Nhằm đáp ứng yêu cầu của các nước, bên cạnh việc tăng cường các khả năng thích nghi với tiếp cận mở các thông tin khoa học và nghiên cứu, Ban chấp hành UNESCO cũng xác định việc cung cấp các tư vấn chính sách ban đầu là ưu tiên chủ chốt trong các nguyên tắc hướng dẫn phát triển và thúc đẩy tiếp cận mở các nguồn thông tin khoa học và nghiên cứu.
Theo LHQ, tăng cường năng lực của các nước về tiếp cận mở là cần thiết nhưng chưa đủ để thúc đẩy tiếp cận mở.
Các nguyên tắc định hướng mới của UNESCO sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển chính sách tiếp cận mở của các chính phủ cũng như các cơ quan thể chế và tài trợ, đồng thời giúp các thể chế ở các nước duyệt xét vị thế của họ về tiếp cận thông tin khoa học và trợ giúp lựa chọn chính sách tiếp cận mở thích hợp với đặc thù của mỗi nước.
Ngoài ra, những nguyên tắc trên cũng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy chính sách tiếp cận mở trong các cơ quan tài trợ nghiên cứu và các thể chế thông qua hòa nhập các vấn đề thích hợp vào hệ thống nghiên cứu quốc gia.
UNESCO nhấn mạnh các nguyên tắc hướng dẫn chính sách không mang tính quy chế mà chỉ mang tính hướng dẫn để tạo điều kiện giúp các nước hoạch định chính sách trên cơ sở tri thức và tăng cường hệ thống nghiên cứu khoa học quốc gia.
Các nguyên tắc này hữu ích cho cả người mới bắt đầu và người có nhiều kinh nghiệm trong thế giới tiếp cận mở, giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu tập trung phát triển chính sách về tiếp cận mở.
Tiếp cận mở là tiêu điểm trong chức năng của UNESCO cung cấp tiếp cận phổ cập các thông tin và tri thức.
Chương trình tiếp cận mở của UNESCO tạo điều kiện đối thoại chính sách ở các nước thành viên, chia sẻ tri thức và thực tiễn tốt nhất trong lĩnh vực tiếp cận mở, xây dựng và chia sẻ khả năng giữa các nước thông qua hợp tác Bắc-Nam và Nam-Nam để tạo ra các xã hội tri thức cho phát triển bền vững.