Uống nước từ chai nhựa có làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường loại 2?
Các nhà khoa học từ lâu đã nghi ngờ các hóa chất công nghiệp dùng trong chai nhựa có thể phá vỡ nội tiết tố của con người.
Một nghiên cứu mới mang tính đột phá cho thấy bằng chứng trực tiếp rằng bisphenol A - hay BPA, một hóa chất dùng để đóng gói thực phẩm và đồ uống, có trong chai nhựa - có thể làm giảm độ nhạy cảm với insulin, loại hormone giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, theo businessinsider đưa tin.
Những nguy cơ sức khỏe từ chai nhựa
Khả năng đáp ứng với insulin bị suy giảm, gọi là kháng insulin, có thể có nghĩa là lượng đường trong máu cao mãn tính và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn nhiều.
Các nhà nghiên cứu đã trình bày những phát hiện của họ tại phiên họp khoa học năm 2024 của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, cho biết nghiên cứu này cho thấy Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) có thể cần xem xét lại các giới hạn an toàn khi tiếp xúc với BPA trong chai nhựa, hộp đựng thức ăn và các loại hộp đựng khác.
BPA, một hóa chất dùng để đóng gói thực phẩm và đồ uống, có trong chai nhựa có thể làm giảm độ nhạy cảm với insulin - (Ảnh: MindBodyGreen).
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Bách khoa California đã nghiên cứu 40 người trưởng thành khỏe mạnh được chỉ định ngẫu nhiên dùng giả dược hoặc một liều nhỏ BPA hằng ngày. Sau 4 ngày, những người tham gia sử dụng BPA có phản ứng kém hơn với insulin, trong khi nhóm dùng giả dược không có bất kỳ thay đổi nào.
Liều BPA mà người tham gia nhận được, 50 microgam/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày, là lượng hiện được EPA phân loại là an toàn.
Todd Hagobian, tác giả cao cấp của nghiên cứu và giáo sư tại Đại học Bách khoa California, cho biết trong một thông cáo báo chí: "Những kết quả này gợi ý rằng có lẽ liều an toàn của EPA cần được xem xét lại và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể đề xuất những thay đổi này cho bệnh nhân".
Chất gây ô nhiễm môi trường là mối đe dọa lớn với sức khỏe
FDA xem BPA là an toàn khi ở mức thấp trong các hộp đựng thực phẩm, lên tới 5mg mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày, hoặc gấp 1.000 lần lượng mà nghiên cứu mới cho thấy có nguy cơ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng hướng dẫn của FDA đã lỗi thời.
Các cơ quan quản lý khác trên thế giới đã có lập trường cứng rắn hơn đối với hóa chất này. Ủy ban châu Âu đề xuất cấm BPA trong các sản phẩm tiếp xúc với thực phẩm hoặc đồ uống vào cuối năm 2024.
Mối lo ngại về BPA là một phần của lời cảnh báo rộng hơn về việc chúng ta tiếp xúc hằng ngày với các chất có thể có hại cho sức khỏe.
Một nghiên cứu khác gần đây đã phát hiện ra các hạt vi nhựa, những hạt nhỏ đến mức có thể xâm nhập vào tế bào con người, có khả năng tàn phá sức khỏe. Chúng được tìm thấy ở khắp nơi, từ phổi người đến các cơ quan sinh sản.
Hiểu được cách mà các chất chúng ta gặp hằng ngày ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe có thể giúp chúng ta đưa ra quyết định tốt hơn về cách giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường loại 2.
"Vì bệnh tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ, điều quan trọng là phải hiểu được ngay cả những yếu tố nhỏ nhất góp phần gây ra căn bệnh này. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy rằng việc giảm tiếp xúc với BPA, chẳng hạn như sử dụng chai thủy tinh hoặc thép không gỉ và lon không chứa BPA, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường", Hagobian cho biết trong thông cáo báo chí.
- Vì sao chai nhựa luôn có phần đáy không bằng phẳng?
- 2 bí mật về chai nhựa đựng nước mà nhiều người sẽ ước rằng "thà mình không biết"
- Giúp bạn hiểu hết ký hiệu bí ẩn được in trên các bao bì sản phẩm dùng hàng ngày