Vắc xin chống viêm gan B do Cuba sản xuất hiệu quả đến nhường nào?
Nhờ vào việc sử dụng vắc xin chống viêm gan B sản xuất trong nước, Cuba không phát hiện trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi nào mắc căn bệnh mãn tính này kể từ năm 1999 và người trên 15 tuổi kể từ năm 2007.
Bắt đầu từ năm 1989, Cuba đã phát triển thành công vắc xin phòng viêm gan B.
Trả lời báo chí trong nước ngày 12/4, tiến sỹ Verena Muzio, giám đốc phụ trách nghiên cứu lâm sàng của Trung tâm Kỹ thuật di truyền và Công nghệ sinh học (CIGB), nơi nghiên cứu và bào chế vắc xin trên, cho biết từ 25 năm nay, Bộ Y tế Cuba đã triển khai chương trình toàn quốc phòng ngừa viêm gan B với 13 triệu lượt người Cuba đã được tiêm phòng cho tới nay.
Nhờ chương trình này, toàn bộ dân số dưới 35 tuổi của Cuba đã được miễn dịch với viêm gan B và số ca mắc bệnh viêm gan B cấp tính trên toàn quốc cũng giảm mạnh.
Cũng theo bà Muzio, việc nghiên cứu sản xuất interferon (nhóm protein trong tự nhiên do tế bào miễn dịch của động vật sản xuất) nhân tạo tại Cuba đã bắt đầu từ năm 1981 và loại thuốc này được áp dụng vào việc phòng ngừa và điều trị viêm gan.
Từ vài năm nay, Cuba đang sử dụng rộng rãi interferon đã PEG hóa (PEGinterferon) trong điều trị cho các bệnh nhân mắc viêm gan C mãn tính và cho kết quả khả quan.
Bắt đầu từ năm 1989, Cuba đã phát triển thành công vắc xin phòng viêm gan B, một căn bệnh mà cho tới nay vẫn đang ảnh hưởng tới 400 triệu người trên toàn cầu.