Vạn Lý Trường Thành cao chưa tới 8m, mục đích thực sự của các bậc quân vương là gì?
Độ cao 7,8 mét của công trình thế kỷ Vạn Lý Trường Thành được đánh giá là thấp, không thể cản quân địch. Mục đích thực sự của các bậc quân vương là gì?
Nhắc đến công trình thế kỷ Vạn Lý Trường Thành, điều đầu tiên xuất hiện trong suy nghĩ bạn hẳn là Tần Thủy Hoàng vì ông đã tiêu tốn rất nhiều nhân lực và vật lực trong thời gian dài để xây dựng Vạn Lý Trường Thành.
Phần lớn Vạn Lý Trường Thành được tạo ra từ những vật liệu xây dựng không có gì nổi bật như đất đá. Tuy nhiên, gạo nếp được đưa vào công thức làm vữa nhờ sự kết dính ưu việt. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hợp chất amylopectin (hợp chất tạo sự kết dính) có trong gạo nếp giúp tường thành vững chắc và bền bỉ hơn.
Theo Travel China Guide giải thích: "Vạn Lý Trường Thành là một mạng lưới phòng thủ bao gồm nhiều bức tường và pháo đài được xây dựng trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, với một số phân đoạn nằm rải rác trong khi một số khác chạy song song. Ở một số nơi, bức tường thành này có thể cao gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba lần so với các khu vực khác".
Vạn Lý Trường Thành là một mạng lưới phòng thủ, gồm nhiều bức tường và pháo đài.
Trên thực tế, Tần Thủy Hoàng không phải là người đầu tiên xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, giữa các nước xảy ra chiến tranh liên miên, để bảo vệ bờ cõi của mình, quân vương các nước đã ra lệnh cho quân sĩ xây dựng các đoạn trường thành để chống lại sự xâm lược của các nước khác.
Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước, chúng mới được nối với nhau để tạo thành một bức tường quanh co như Vạn Lý Trường Thành ngày nay. Mục đích Tần Thủy Hoàng cho xây dựng Vạn Lý Trường Thành là để ngăn chặn quân du mục như Hung Nô, Đông Hồ xuôi Nam xâm lược.
Sau nhiều năm xây dựng, hình dáng quanh co của Vạn Lý Trường Thành đã được hình thành. Tuy nhiên, vào thời nhà Minh, Vạn Lý Trường Thành tiếp tục được tu sửa, tổng chiều dài lên tới 21.196,18 km và chiều cao trung bình là 7,8 mét, như Vạn Lý Trường Thành mà chúng ta thấy ngày nay.
Nhưng về phương diện chinh chiến, độ cao của các bức tường được đánh giá là khá thấp, không thực sự hữu dụng trong việc ngăn cản binh sĩ. Vậy thì mục đích chính của việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành là gì?
Mục đích trong quân đội
Theo trang Sohu, các đoạn Vạn Lý Trường Thành từ thời Xuân Thu Chiến Quốc đều được xây dựng trên địa thế hoang vu, hiểm trở, chủ yếu sử dụng vật liệu địa phương như đất nện và đá vụn. Tuy nhiên, độ cao bức tường thấp, một đội quân dũng mãnh có thể bắc thang lên và trèo qua dễ dàng.
Bức tường này dùng để làm rào cản, ngăn chặn những chiến mã từ xa đến xâm lược.
Vì vậy, mục đích chính của việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành trên thực tế là để chống lại kỵ binh của quân du mục phương Bắc. Nói cách khác, bức tường này không phải dùng để chặn con người, mà là dùng để làm rào cản, ngăn chặn những chiến mã từ hàng ngàn dặm xa xôi tiến đến xâm lược.
Sở dĩ dân du mục chiếm ưu thế trên chiến trường vì họ sở hữu những chiến mã nhanh nhẹn và dũng mãnh. Một khi không có chiến mã ở cạnh, năng lực chiến đấu của binh sĩ sẽ giảm đi rất nhiều.
Mục đích trong giao thương
Ngoài công dụng quân sự ra, Vạn Lý Trường Thành còn có thể phong tỏa kinh tế đối với các dân tộc du mục. Vì điều kiện tự nhiên vùng thảo nguyên chủ yếu thuận lợi để chăn nuôi các loại gia súc như trâu, cừu và ngựa nhưng lại thiếu các nhu yếu phẩm hàng ngày như muối, rượu, đồ sắt, vải...
Vạn Lý Trường Thành còn có thể phong tỏa kinh tế đối với các dân tộc du mục.
Sau khi công trình Vạn Lý Trường Thành được hoàn thành, người du mục không thể vượt qua bức tường, họ buộc phải dựa vào các thương nhân từ Trung Nguyên để giao thương. Ngoài việc bán muối, sắt, trà và các nhu yếu phẩm hàng ngày khác cho người du mục, các thương nhân còn có thể mua về gia súc, thậm chí cả những con ngựa quý hiếm phục vụ cho quân đội. Bên cạnh đó, nhờ mối giao thương này người Trung Nguyên có thể thu thuế cao từ các thương nhân, làm giàu cho ngân khố quốc gia.